xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công ty vàng lại giở trò!

Bài và ảnh: QUANG VINH

Bị cưỡng chế thuế, buộc phải đóng cửa, Công ty Vàng Phước Sơn nhiều lần lén lút vận chuyển máy móc ra khỏi nhà máy

Sau khi Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Công ty Phước Sơn, đóng tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bị UBND huyện Phước Sơn ngăn chặn việc vận chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi nhà máy vào chiều 16-9, sáng 18-9, Tập đoàn Besra đã gửi thông cáo đến các cơ quan báo chí. Thông báo này giải thích Công ty Vàng Phước Sơn không tẩu tán tài sản mà chỉ vận chuyển máy móc cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (Công ty Bồng Miêu, đóng tại huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - cả hai cùng thuộc Tập đoàn Besra) mượn.

Nhiều lần chuyển máy móc

Theo giải thích của Tập đoàn Besra, sau một thời gian dài bị đóng cửa vì nhiều lý do, mỏ vàng Bồng Miêu đang từng bước hoạt động trở lại. Vì vậy, ngoài việc lấy lại những máy móc, vật tư đã được chuyển qua Công ty Phước Sơn giữ trong thời gian phải đóng cửa vào cuối năm 2013, Công ty Bồng Miêu cũng yêu cầu Phước Sơn cho mượn một số vật tư và máy móc mà công ty này không sử dụng.

Dù đã ngừng hoạt động, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn luôn có người canh giữ, không cho người lạ tiếp cận
Dù đã ngừng hoạt động, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn luôn có người canh giữ, không cho người lạ tiếp cận

“Việc gửi và cho mượn tài sản giữa 2 công ty là các giao dịch hoàn toàn hợp pháp, không bị hạn chế, có điều kiện hoặc cấm bởi luật Việt Nam. Tính tới thời điểm này, chưa cơ quan tư pháp có thẩm quyền nào đưa ra quyết định về việc ngăn chặn liên quan đến tài sản của Công ty Bồng Miêu và Công ty Phước Sơn” - Tập đoàn Besra cho biết.

Theo Besra, trong chiều 18-9, tập đoàn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Phước Sơn và các cơ quan liên quan đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc vận chuyển thiết bị, máy móc từ mỏ vàng Phước Sơn qua Bồng Miêu nhằm hỗ trợ mỏ vàng này sớm trở lại hoạt động.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết đây không phải là lần đầu tiên Công ty Phước Sơn lén lút vận chuyển máy móc ra khỏi nhà máy. Vào giữa tháng 8, công ty cũng đã vận chuyển thiết bị ra khỏi nhà máy. Do không phát hiện kịp thời nên UBND huyện không thể ngăn chặn và cũng không biết công ty chở các thiết bị đi đâu.

“Chúng tôi đã yêu cầu công ty vận chuyển máy móc quay trở lại nhà máy và đã báo cáo lên UBND tỉnh” - ông Hà nói.

Công ty hoạt động trở lại?

Liên quan đến việc Besra cho biết Công ty Bồng Miêu sắp hoạt động trở lại, sáng 18-9, ông Lê Mai Khắc Hưng, Cục phó Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa nhận bất cứ chỉ đạo nào từ cấp trên đề nghị cho giãn, giảm thuế đối với 2 công ty thuộc tập đoàn.

Trước đó, ngày 12-9, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình nợ thuế tài nguyên, thuế nhà thầu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, phí bảo vệ môi trường... cũng như tiền phạt chậm nộp thuế của Công ty Bồng Miêu và Công ty Phước Sơn. Đáng chú ý, văn bản UBND tỉnh Quảng Nam nêu: Để tạo điều kiện cho 2 công ty khôi phục sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động do các công ty cho nghỉ việc và bảo đảm tình hình an ninh trật tự, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm xử lý các tồn tại của 2 công ty, có kế hoạch hỗ trợ phần đề nghị về gia hạn thu nợ thuế, hụt thu cho ngân sách tỉnh trong niên độ năm 2014.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc vì sao 2 công ty vàng đang nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế nhưng UBND tỉnh Quảng Nam vẫn đề nghị tạo điều kiện khôi phục sản xuất, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Quảng Nam chỉ đề nghị xử lý sớm để bảo đảm an ninh trật tự và giải quyết việc làm cho lao động, chứ không đề nghị vấn đề gì cụ thể.

Về khả năng trả nợ sau khi công ty được hoạt động trở lại, ông Thanh cho biết: “Các bộ đang tìm nguyên nhân công ty gây nợ thuế. Nếu nguyên nhân khách quan thì sẽ xử lý theo cách khác, còn nguyên nhân do cố tình trốn thuế thì có biện pháp xử lý khác”.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã nhiều lần đưa tin, 2 công ty Phước Sơn và Bồng Miêu đã bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cưỡng chế thuế vì nợ gần 300 tỉ đồng tiền thuế, buộc phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp kiện Công ty Phước Sơn ra tòa

Ông Pơ Loong Đếch, Phó Chánh án TAND huyện Phước Sơn, cho biết đến nay, có ít nhất 5 doanh nghiệp gửi đơn kiện Công ty Phước Sơn ra tòa vì không chịu trả nợ. Trong đó, TAND huyện Phước Sơn đã xử thắng kiện cho Công ty TNHH MTV Xăng dầu Trường Xuân. Mới đây, tòa tiếp tục đưa vụ Ngân hàng Thương mại CP Việt Á kiện Công ty Phước Sơn ra xét xử nhưng tạm hoãn do đại diện công ty này vắng mặt.

Ba doanh nghiệp khác vừa gửi đơn kiện Công ty Phước Sơn gồm: Công ty TNHH Quảng An (huyện Phước Sơn), Công ty TNHH Ngọc Hà (tỉnh Nam Định), Công ty CP Kỹ thuật Kết nối số (TP Đà Nẵng).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo