Tăng tuổi nghỉ hưu: Phải theo từng ngành nghề

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa gửi kiến nghị tới Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo Vitas, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động lần này chưa phải là thời điểm thích hợp.

Ngành dệt may hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 80% nữ, phải chịu áp lực công việc khổng lồ. Theo một lãnh đạo Vitas, lao động ngành dệt may phải làm việc từ 8-10 giờ/ngày và tập trung cao độ, áp lực công việc lớn gây mệt mỏi nên thường đến 45 tuổi đã muốn nghỉ. Ở độ tuổi này, cùng với gánh nặng chăm sóc gia đình, năng suất làm việc của lao động nữ giảm sút rõ rệt. Do vậy, nếu tăng theo đề xuất của dự luật thì họ không đủ điều kiện theo nghề đến khi nghỉ hưu. Hiện tượng lao động nữ xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp BHXH một lần đã nói lên thực trạng này. Chưa hết, diễn biến thị trường lao động cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động có xu hướng tuyển dụng lao động trẻ (độ tuổi từ 18 đến 35) và tìm cách loại dần lao động lớn tuổi. Nói cách khác, không doanh nghiệp nào mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động trực tiếp bởi sự "già hóa" nhân công sẽ kéo theo sự suy giảm về năng suất, chất lượng làm việc.

Dù tuổi thọ bình quân người Việt Nam đang tăng nhưng bệnh tật ngày càng nhiều, đặc thù ngành nghề ở nước ta phần lớn là lao động phổ thông, do vậy nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải phân loại theo từng ngành nghề cụ thể. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm giảm tỉ lệ hưởng lương hưu, do mỗi năm về hưu trước tuổi phải trừ 2%. Như vậy, sẽ hình thành một tầng lớp người dân có thu nhập rất thấp là những người hưởng lương hưu khi về hưu trước tuổi.

Từ thực tế này, tôi đề xuất không nên tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân trực tiếp sản xuất