9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo

(NLĐO) - NSND Viễn Châu, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng và NSND Lương Đống, 4 trong 9 người vừa được Hội Sân khấu TP HCM đề xuất đặt tên đường, đều là những tài năng sáng tạo, chắp cánh cho các nghệ sĩ và vở diễn bay xa

NSND Kim Cương cho rằng một bộ phận giới trẻ hiểu biết còn hạn chế về lịch sử đất nước nói chung, lịch sử sân khấu truyền thống nói riêng. "Theo tôi, nếu được đặt tên đường, trên biển tên đường cần có những thông tin cần thiết về nghệ sĩ đó, như đạt thành tích gì, cống hiến ra sao…, để nhiều người, nhất là giới trẻ, thêm hiểu biết" - bà đề xuất.

NSND Viễn Châu: "Vua của vua cải lương"

NSND - soạn giả Viễn Châu (1924-2016) - tức danh cầm Bảy Bá, tên thật là Huỳnh Trí Bá - sinh ra trong một gia đình giàu có ở Trá Cú - Trà Vinh. Từ nhỏ, dù được gia đình thuê những bậc túc nho dạy "Tứ thư", "Ngũ kinh" nhưng ông lại đam mê đờn ca tài tử. Ở tuổi 15, ông đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì ngón đàn tranh tài hoa của mình.

9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo - Ảnh 1.

NSND - soạn giả Viễn Châu còn nổi tiếng với ngón đàn tranh điêu luyện

Tham gia cách mạng, năm 1945, ông soạn tuồng cải lương đầu tay "Hồn chiến sĩ" để cổ vũ cuộc kháng chiến chống Pháp. Ủy ban Kháng chiến tại Trà Cú đã tổ chức biểu diễn vở này, lấy tiền góp vào quỹ kháng chiến.

Khi Trà Vinh bị Pháp chiếm, ông rời quê nhà Đôn Châu lên Sài Gòn, tìm đến Ban Công tác thành để hoạt động. Ít lâu sau, ông bị địch bắt khi cùng một nhóm đang rải truyền đơn cách mạng và bị tù đày ở Tây Ninh năm 1947. Hai năm sau, ông được thả và tham gia Đoàn Việt kịch Năm Châu - một cơ sở cách mạng bí mật.

Đời nghệ sĩ chuyên nghiệp của ông thực sự bắt đầu từ khi viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với nghệ danh Viễn Châu vào năm 1950. Với thành công của vở này, ông được nhiều đoàn hát mời hợp tác. Cùng với sự phát triển của các hãng băng đĩa Sài Gòn, ông có nhiều tác phẩm được dàn dựng và thu âm. 

Hơn 10 năm sau đó, tên tuổi soạn giả Viễn Châu - danh cầm Bảy Bá vang lừng khắp nơi. Nghệ danh Viễn Châu luôn xuất hiện trong những đêm diễn các vở cải lương nổi tiếng như: "Chuyện tình Hàn Mạc Tử", "Chuyện tình Lan và Điệp", "Hoa Mộc lan", "Sau bức màn thương", "Nát cánh hoa rừng". "Quân vương và thiếp"

Dấn thân theo sân khấu từ cây đàn tranh, về sau, ông càng nổi tiếng hơn với tài năng sáng tác kịch bản cải lương và bài vọng cổ. Ông đã góp phần phát triển âm nhạc sân khấu cải lương, tạo tiền đề cho các khuynh hướng sáng tác. Ông chính là người cải biên cải lương khi kết hợp tân nhạc với làn điệu vọng cổ, sáng tạo thể điệu mới "Tân cổ giao duyên" và sau đó là "Vọng cổ hài".

9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo - Ảnh 3.

NSND - soạn giả Viễn Châu và NSND Lệ Thủy

Soạn giả Viễn Châu ứng tác rất nhanh theo đơn đặt hàng của hãng băng đĩa hay theo yêu cầu của nghệ sĩ. Thông thường, nghệ sĩ mới vào nghề luôn mong mỏi có bài hát riêng và rất nhiều người đã tìm đến soạn giả Viễn Châu "xin bài".

Hàng loạt nghệ sĩ đã thành danh qua bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu, như: Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu", Thành Được - "Tiếng trống tàn canh", Lệ Thủy - "Quan âm Thị Kính", Minh Cảnh - "Tu là cội phúc", Thanh Nga - "Lắng tiếng chuông ngân", Ngọc Giàu - "Áo đắp mộ người yêu"... Bởi vậy, giới sân khấu cải lương miền Nam từng tôn xưng ông là "Vua của những vua cải lương".

Sức làm việc của soạn giả Viễn Châu thật phi thường với 70 vở tuồng đã được trình diễn và hơn 2.000 bài vọng cổ được sáng tác. Ông đã được phong tặng danh hiệu NSND và được trao Huân chương Lao động hạng Ba.

Hà Triều - Hoa Phượng: Tri âm tri kỷ

Soạn giả Hà Triều (1931-2003) tên thật là Đặng Ngươn Chúc, quê Rạch Giá - Kiên Giang. Thuở nhỏ, ngoài văn hóa, ông còn được học nhạc lý cơ bản.

Năm 14 tuổi, ông tham gia Đoàn Văn nghệ Thiếu nhi Cứu quốc Khu 9 và trở thành nhạc công duy nhất chơi đàn mandoline. Năm 17 tuổi, ông được cử theo học Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố, đến năm 19 tuổi được phân công vào ngành công an.

Sau năm 1954, ông lên Sài Gòn tìm người trưởng đoàn cũ, bấy giờ là ký giả kịch trường Hà Huy Hà (tức nhà thơ Kiên Giang), nhờ giúp kế sinh nhai. Ông được giao chép thơ và bản thảo kịch bản cải lương vì viết chữ đẹp. Lúc này, ông tập tành sáng tác bài ca lẻ (ba Nam, sáu Bắc) với đề tài lịch sử giao cho nhạc sĩ Bảy Quới ở Đài Phát thanh Sài Gòn; viết một số bài phê bình sân khấu đăng trên trang Điện ảnh kịch trường của Báo Công Nhân.

9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo - Ảnh 5.

Đôi bạn Lương Kế Nghiệp - Đặng Ngươn Chúc gặp lại nhau ở Sài Gòn năm 1955

Trong khi đó, soạn giả Hoa Phượng (1933-1984) tên thật là Lương Kế Nghiệp, sinh ra tại Thoại Sơn - An Giang. Năm 1947, ông tham gia kháng chiến.

Đến năm 1955, ông gặp lại người bạn cũ là Đặng Ngươn Chúc, lúc này cũng lưu lạc lên Sài Gòn. Cả hai cùng hợp tác soạn nội dung một tuồng cải lương rồi chia nhau viết, chỉ tuần sau là xong, đưa nhà thơ - soạn giả Kiên Giang xem.

Soạn giả Kiên Giang khá hài lòng, đưa kịch bản cho sân khấu Minh Chí - Việt Hùng dàn dựng. Ban đầu, tên vở cải lương có nội dung chống giặc Minh này được giám đốc kỹ thuật hãng đĩa ASIA - Thái Thụy đặt là "Tình quê hương", sau đổi lại thành "Vì quê hương".

Từ sáng tác chung đầu tay này, hai ông Đặng Ngươn Chúc và Lương Kế Nghiệp đã lấy nghệ danh lần lượt là Hà Triều và Hoa Phượng. Tiếp theo "Vì quê hương", vở tuồng "Sau cơn gió lốc" của 2 ông cũng thành công vang dội. 

Năm 1957, soạn giả Kiên Giang được nghệ sĩ Thúy Nga mời về làm chỉ đạo nghệ thuật và lo công việc tìm tuồng cho đoàn. Ông đã đặt hàng Hà Triều - Hoa Phượng viết vở khai trương. Ban đầu, kịch bản mang tên "Lối vào cung cấm" nhưng soạn giả Kiên Giang đề nghị đổi thành "Khi hoa anh đào nở".

Trong 10 năm (1955-1965), Hà Triều - Hoa Phượng đã viết chung khoảng 50 kịch bản cải lương. Sau "Khi hoa anh đào nở", nhiều vở khác cũng được khán giả yêu thích như: "Tấm lòng của biển", "Cô gái Đồ Long", "Nửa đời hương phấn", "Nỗi buồn con gái" (tức "Tần nương thất"), "Bóng hồng sa mạc", "Khói sóng tiêu tương"... Trong đó, thành công lớn nhất của 2 ông là những tuồng xã hội. Hai ông còn viết vở kịch "Sông dài" cho Đoàn Thẩm Thúy Hằng, sau này được chuyển thể thành phim điện ảnh và cải lương.

Những kịch bản do Hà Triều - Hoa Phượng sáng tác đã góp phần đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ lên đỉnh cao nghệ thuật ca diễn, như: Thành Được, Tấn Tài, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Minh Vương, Hồng Nga, Thanh Nguyệt, Kim Ngọc, Phương Quang…

9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo - Ảnh 7.

Cặp soạn giả tài danh Hà Triều - Hoa Phượng

Hà Triều - Hoa Phượng cộng tác với Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga từ đầu năm 1960. Đến năm 1964, Đoàn Dạ Lý Hương ra đời, 2 ông được mời về cộng tác. Trên sân khấu mới này, cặp soạn giả tài danh lại thêm nổi tiếng với một loạt "tuồng chưởng: "Cô gái Đồ Long", "Anh hùng xạ điêu"… Năm 1965, Dạ Lý Hương diễn vở xã hội "Nỗi buồn con gái", được Ban Tuyển chọn Giải Thanh Tâm bình chọn là tuồng cải lương hay nhất năm.

Soạn giả Hoa Phượng mất sớm ở tuổi 51. Sau khi soạn giả Hà Triều qua đời (ngày 13-5-2003, được chôn cất tại Nghĩa trang Chùa Nghệ sĩ tại TP HCM), bạn bè và người thân của 2 ông đã quyết định chọn ngày 22-10 hằng năm, là ngày mất của soạn giả Hoa Phượng, làm ngày giỗ chung cho đôi bạn tri âm tri kỷ trong làng cải lương này.

NSND Lương Đống: Nhà thiết kế mỹ thuật "vàng"

NSND Lương Đống (1924-2011) là một trong những đại thụ của ngành mỹ thuật sân khấu Việt Nam, được phong danh hiệu NSND từ năm 1993. Nhà thiết kế mỹ thuật sân khấu tài hoa này tên thật là Quách Lương Đống, quê Hồng Dân - Bạc Liêu.

9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo - Ảnh 9.

NSND Lương Đống để lại dấu ấu đậm nét qua việc thiết kề mỹ thuật sân khấu hàng trăm vở cài lương, kịch nói...

Từng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định, ông được phân công làm họa sĩ trình bày Báo Độc Lập khi ở chiến khu. Hai năm sau, ông chuyển sang Sở Công an Nam Bộ suốt thời kỳ chống Pháp. Trong giai đoạn này, ông đã tham gia thiết kế sân khấu cho một số vở cải lương, kịch nói do đạo diễn Chi Lăng và Ba Du dàn dựng.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Viện Nghiên cứu mỹ thuật sân khấu cải lương. Đến năm 1958, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, ông được mời làm họa sĩ thiết kế sân khấu cho vở cải lương "Nàng tiên Mẫu Đơn" do đạo diễn Chi Lăng dàn dựng. Vở này đoạt HCV và phần thiết kế mỹ thuật của ông cũng được trao giải vàng.

Từ đó, vào mỗi mùa hội diễn, họa sĩ Lương Đống luôn có tác phẩm thiết kế mỹ thuật sân khấu đoạt giải vàng. Suốt thời gian ở miền Bắc, ông thiết kế mỹ thuật sân khấu cho hơn 100 vở cải lương, kịch nói, chèo, tuồng. Năm 1962, ông được giao phụ trách lớp nghiên cứu mỹ thuật sân khấu toàn miền Bắc. Năm 1964, ông được cử làm giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.

9 nghệ sĩ được đề xuất đặt tên đường: Bậc thầy sáng tạo - Ảnh 10.

NSND Lương Đống (trái) được trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng vào năm 2009

Đất nước thống nhất, năm 1975, họa sĩ Lương Đống cùng đạo diễn Chi Lăng gầy dựng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và 10 năm sau trở thành giám đốc. Ông đã tạo thêm dấu ấn cá nhân khi thiết kế mỹ thuật sân khấu các vở "Rạng Ngọc Côn Sơn", "Hòn đảo thần vệ nữ", "Tình yêu và lời đáp", "Muôn dặm vì chồng", "Chim Việt cành Nam"…

Dấu ấn đậm nét mà họa sĩ Lương Đống để lại cho sân khấu kịch Miền Nam là những tác phẩm thiết kế mỹ thuật dàn dựng trên sân khấu quay Nhà hát Hòa Bình: "Tình nghệ sĩ", "Những thước phim đời", "Chuyến tàu hoàng hôn"… và trên Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần thời còn là CLB Sân khấu thể nghiệm: "Dư luận quần chúng", "Con vịt mồi", "Dạ cổ hoài lang", "Giấc mộng kê vàng", "Ngôi nhà không có đàn ông"…

Ông còn tạo dấu son cho sân khấu cải lương thể nghiệm qua các vở độc diễn của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hồng Phúc và NSƯT Bạch Tuyết, như: "Diễn kịch một mình", "Hoàng hậu hai vua", "Độc thoại đêm", "Lý Chiêu Hoàng", "Hồn thơ ngọc"…

Mùa xuân năm 1984, nghệ sĩ Lương Đống dẫn đầu đoàn nghệ sĩ TP HHCM đi biểu diễn vở cải lương "Đời cô Lựu" ở một số nước Tây Âu theo lời mời của UNESCO. Chuyến lưu diễn này đã gặt hái nhiều thành công.

Họa sĩ Lương Đống đôi khi còn tham gia vở diễn với vai trò là… diễn viên. Trong vở cải lương "Đời cô Lựu" nổi tiếng một thời, NSƯT Bạch Tuyết đóng vai cô Lựu, NSND Thanh Tòng vào vai Võ Minh Thành - chồng cô Lựu, còn người đóng vai Hương quản đến nhà bắt Võ Minh Thành chính là... họa sĩ Lương Đống.