Cuộc gặp được theo dõi sát sao

Cả khu vực Trung Á, châu Âu và Mỹ trong ngày 15-9 đều hướng về Samarkand, thành phố lớn thứ hai của Uzbekistan, để theo dõi cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại cuộc gặp bên lề hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) này, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung bàn về tình hình Ukraine và đảo Đài Loan (Trung Quốc), theo Reuters.

Bắc Kinh không chỉ trích "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine trong khi Moscow ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ khi nước này căng thẳng với Washington liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Cuộc gặp được theo dõi sát sao - Ảnh 1.

Cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12-2021 được đưa tin ở Bắc Kinh Ảnh: REUTERS

Về mặt khu vực, Nga lâu nay luôn duy trì vai trò quan trọng ở Trung Á bằng cả sức mạnh cứng và mềm, nhất là giữa lúc họ muốn mở ra các thị trường mới để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Với Trung Quốc, việc Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Uzbekistan là điểm đến công du nước ngoài đầu tiên sau 2 năm rưỡi đại dịch COVID-19 cho thấy Trung Á cũng là điểm nhấn chiến lược không nhỏ của Bắc Kinh.

Trao đổi với trang Euronews, ông Mikael Wigell, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan, nhận định các dự án hạ tầng trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đang đem lại nhiều lợi ích chính trị cho Trung Quốc ở khu vực. Nga cũng sử dụng cách tương tự, theo ông Wigell, thông qua tổ chức Liên minh kinh tế Âu - Á nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi.

Là một tổ chức an ninh khu vực do Trung Quốc và Nga thành lập nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ, SCO bao gồm các nước đại diện cho phân nửa dân số thế giới, đó là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan cùng các quan sát viên Iran, Afghanistan…

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang thúc đẩy "Sáng kiến An ninh toàn cầu", được công bố vào tháng 4 năm nay sau khi nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn được thành lập. Tuy nhiên, trong nội bộ SCO thì quan hệ Trung - Ấn lại "cơm không lành canh không ngọt" do đụng độ tại biên giới trên đỉnh Himalaya những năm gần đây. Thêm vào đó, giữa các lính canh tuần tra biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan đã xảy ra đấu súng chết người vào ngày 14-9, theo các hãng thông tấn Nga.