xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thông tin nhiễu về nước mắm nhiễm asen: VINASTAS nói làm đúng luật!

Thùy Dương

(NLĐO) - Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết mình làm đúng luật bất chấp những phản ứng từ dư luận và các hãng nước mắm truyền thống.

Chiều 21-10, liên quan đến những lùm xùm trong việc công bố kết quả khảo sát nước mắm nhiễm asen của VINASTAS, đơn vị này đã có thông tin phản hồi chính thức.

Theo VINASTAS, chương trình khảo sát nước mắm đã được đơn vị này đưa vào kế hoạch của năm 2015 và 2016 với các bước cụ thể.

Về kết quả thử nghiệm asen trong nước mắm, hội này cho rằng thông tin về nước mắm có asen và hàm lượng asen càng cao đối với nước mắm có độ đạm càng cao đã được các báo đăng tải nhiều trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trong thời gian đó cũng không có bất cứ ý kiến nào giải thích rõ về thực chất của việc nước mắm có chứa asen và bản chất của asen trong nước mắm độc hại như thế nào. Để làm rõ vấn đề này Vinastas quyết định thử nghiệm hàm lượng arsen có trong các mẫu nước mắm khảo sát.

“Kết quả cho thấy đúng là trong gần 67% mẫu nước mắm khảo sát có chứa asen tổng vượt mức quy định trong QCVN 8-2:2011:BYT. Bên cạnh đó, số liệu thử nghiệm cũng cho thấy đúng là nước mắm có độ đạm càng cao thì tỉ lệ mẫu có aren tổng càng cao” – VINASTAS khẳng định.

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm này mới chỉ thông tin về tổng hàm lượng asen tổng tức là bao gồm cả asen hữu cơ và asen vô cơ, trong đó đặc biệt là asen vô cơ có tính độc hại cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, VINASTAS tiến hành thử nghiệm tiếp hàm lượng asen vô cơ trong 20 mẫu khảo sát có hàm lượng asen tổng vượt mức quy định. Kết quả cho thấy cả 20 mẫu đều không phát hiện có asen vô cơ với giới hạn phát hiện là 0,01 mg/L.

“Với kết quả thử nghiệm sơ bộ này có thể đưa ra nhận xét là trong các mẫu nước mắm mà VINASTAS mua trên thị trường để khảo sát có tới gần 67% số mẫu có chứa asen tổng cao hơn mức quy định của Bộ Y Tế, song chưa phát hiện thấy có asen vô cơ là chất gây độc hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, nếu bình tĩnh đọc kỹ thông tin do VINASTAS đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng như các thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua” – hội này giải thích.

Theo VINASTAS, đây cũng là cơ hội đưa vấn đề này ra để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học có ý kiến trả lời, phân tích chính thức về tính độc hại của arsen trong nước mắm, giúp cho người tiêu dùng hiểu hơn về bản chất sản phẩm và quyết định việc sử dụng nước mắm cho gia đình mình. “Trong báo cáo của chúng tôi chỉ nêu ra thực trạng chung về mức độ ô nhiễm arsen tồng trong nước mắm mà không nêu tên của bất kỳ một loại nước mắm nào, hoặc đưa ra một chỉ định cụ thể của công nghệ chế biến hay xuất xứ địa lý của cơ sở sản xuất nước mắm nào” – hội này phân trần.

Cũng theo hội này, đây là chương trình khảo sát của người tiêu dùng nên mẫu được mua bất kỳ trên thị trường như người tiêu dùng bình thường. Kết quả khảo sát được công bố để thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa và dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung này được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Điều 28 về “ Nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội”.

Liên quan đến "cuộc chiến nước mắm" này, trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn đã có trả lời báo chí quanh vấn đề "Báo chí và trách nhiệm thông tin với xã hội" thể hiện qua vụ việc "Nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng".


Bộ trưởng rương Minh Tuấn cho biết có dấu hiệu câu kết bất lương để bêu xấu nước mắm có asen độc hại-Ảnh: Nguyễn Nam

Bộ trưởng rương Minh Tuấn cho biết có dấu hiệu câu kết bất lương để "bêu xấu" nước mắm có asen độc hại-Ảnh: Nguyễn Nam

Trả lời câu hỏi về việc vừa qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) đã công bố thông tin về 67% mẫu nước mắm do hội này khảo sát bị nhiễm asen vượt mức cho phép và được đồng loạt đăng, phát trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, như có người nói, đã tạo thành một “chiến dịch truyền thông gây sợ hãi”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: "Đúng là một sự cố truyền thông không bình thường, tôi theo dõi rất kỹ. Trước hết cần chú ý nội dung mập mờ mà VINASTAS công bố trong “thông cáo báo chí” của họ".

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn lại thông cáo nêu có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ. "Mặc dù vậy, họ không hề giải thích giữa hai loại asen hữu cơ và vô cơ loại nào là độc hại loại nào là không độc hại, để liền theo đó kết luận: “Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/L. Tuy nhiên kết quả thử nghiệm asen tổng cho thấy 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN này” - ông Tuấn đặt vấn đề.

Đáng chú ý, thông tin mà VINASTAS công bố còn nhấn mạnh “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng” nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Thông tin này đã nhanh chóng được lan truyền trên các phương tiện truyền thông với tần số dày đặc. "Ai cũng biết thạch tín là một chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột, nên sự sợ hãi, hoang mang đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng. Nếu không xóa tan nỗi sợ hãi này thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị phá sản hàng loạt"- Bộ trưởng Bộ TT-TT lo ngại.

"Mổ xẻ" thêm, người đứng đầu Bộ TT-TT phân tích QCVN 8-2:2011/BYT là “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm” được ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT/BYT ngày 13-01-2011 của Bộ Y tế.

Bản Quy chuẩn này “giới hạn lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận tạm thời” tính theo mg/kg thể trọng đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có asen (As), nhưng bản Quy chuẩn có ghi rõ là tính theo asen vô cơ, từ đó quy định giới hạn ô nhiễm 6 thứ kim loại nặng trong thực phẩm, trong đó giới hạn asen trong nước chấm là 1mg/l.

Như vậy là bản Quy chuẩn chỉ có quy định giới hạn về asen vô cơ, không có quy định về asen hữu cơ hay “asen tổng” như VINASTAS tự đặt ra. Asen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại, còn asen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại gì đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. Ngay cả những nước rất chặt chẽ về an toàn thực phẩm như châu Âu hay Mỹ cũng không quy định giới hạn asen hữu cơ.

Kết quả khảo sát của VINASTAS về thạch tín trong nước mắm, nếu công bố một cách trung thực thì phải công bố các mẫu nước mắm được khảo sát không nhiễm thạch tín theo QCVN 8-2:2011/BYT mới chính xác, nhưng họ đã không làm như vậy.

"Về động cơ, sự tùy tiện và sai phạm của những người tổ chức khảo sát và công bố thông tin, liệu có ai đứng đằng sau điều khiển việc đó, đề nghị các cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ. Ở đây tôi chỉ nói về trách nhiệm của các cơ quan báo chí và các nhà báo"- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, về bản Quy chuẩn, bất cứ phóng viên nào viết về an toàn thực phẩm đều nhất định phải biết, chẳng cần đến sự chỉ dẫn của các nhà chuyên môn, bởi vì phóng viên viết về lĩnh vực nào đều phải có kiến thức nền về lĩnh vực đó. Trong trường hợp này, phóng viên phải nhận ra ngay sự mập mờ trong bản "thông cáo báo chí” của VINASTAS và lẽ ra họ phải lập tức đối chiếu bản QCVN 8-2:2011/BYT, xem trong đó quy định những gì, việc này chỉ cần chưa tới 5 phút tra cứu.

"Nếu phóng viên cẩu thả thì biên tập viên nhất định phải làm điều đó. Một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người (tiêu dùng nước mắm) và công ăn việc làm của hàng chục vạn người (sản xuất nước mắm) mà được đưa một cách cẩu thả không kiểm soát, xin nói thẳng là cơ quan báo chí đó liệu có đáng được công chúng tin cậy?"- ông Tuấn gay gắt.

Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tuấn tình huống giả định những cơ quan báo chí và các nhà báo đưa tin trên là lương thiện, chỉ cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp mà thôi. "Còn việc nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật"- ông Tuấn phê phán.

Trả lời về việc có hay không hay không sự câu kết bất lương để "bêu xấu" nước mắm có asen độc hại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: "Có dấu hiệu. Vì ở đây có sự bất thường. Bất thường ở chỗ, cùng một sự kiện mà một loạt các cơ quan báo chí đều cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp hệt như nhau, thậm chí việc rút tít bản tin cũng na ná như nhau".

Bởi theo Bộ trưởng TT-TT, một bài báo, một bản tin viết sai sự thật không phải là cá biệt trong làng báo nước ta, nhưng người đọc bình thường rất dễ nhận ra cái sai nào do trình độ, do sự cẩu thả và cái sai nào do cố ý, thậm chí họ còn dễ dàng nhận ra sự dối trá trong những cái “không sai” nhưng sự thật bị cắt xén, bị che giấu.

Người đọc bình thường cũng dễ nhận ra đâu là cái sai do “tai nạn nghề nghiệp” của một nhà báo riêng lẻ, đâu là sự dối trá hùa theo đám đông có chủ đích. Cơ quan quản lý truyền thông lẽ nào lại không nhận ra những điều mà người đọc bình thường cũng dễ nhận ra. Nhưng cơ quan quản lý của Nhà nước không kết luận dựa vào trực giác, dựa vào sự suy diễn cảm tính. Phải điều tra mới ra chứng cứ để kết luận.

Về thông tin trên báo chí đã theo chiều hướng đảo ngược sau khi một số nhà chuyên môn về an toàn thực phẩm đã lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng khẳng định sự vô hại của asen hữu cơ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng vấn đề là sự đồng loạt của thông tin ban đầu.

"Như tôi đã nói, nếu như các cơ quan báo chí đưa thông tin ban đầu đó không cẩu thả hoặc cố tình bẻ cong sự thật thì đã không có sự lan truyền tai hại như vậy. Sự phản bác của các nhà chuyên môn và những bài phân tích ngược lại sau đó của một số báo, đối với công chúng chỉ là sự tranh cãi, “phản biện”, đúng sai chưa ngã ngũ, bởi vậy không đủ tác dụng đảo ngược thông tin. Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt được mục đích gây sợ"- ông Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Bởi vậy, theo ông Trương Minh Tuấn, dù sai phạm đã rõ như phân tích ở trên, nhưng các cơ quan nhà nước có liên quan cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu của của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đến khi ấy mới thực sự xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo