xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ông Nguyễn Xuân Anh gây "sóng gió" ra sao?

SƠN TRÀ

Sau khi ngồi ghế Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Anh liên tục điều động, luân chuyển cán bộ, gây ra nhiều bất bình. Ông cũng để xảy ra điều tiếng vì nhận xe, nhà do doanh nghiệp tặng

Trong những sai phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mà Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương kết luận, có nội dung khi xem xét, quyết định luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện áp đặt đã gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự mất đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Liên tục điều động, luân chuyển

Ông Nguyễn Xuân Anh được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 tại phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa XXI vào ngày 16-10-2015. Chỉ vài tháng sau khi ông Anh nhậm chức, Đà Nẵng bắt đầu "nổi cơn sóng gió" về công tác cán bộ.

Điển hình, ngày 13-1-2016, Ban Thường vụ Thành ủy phân công, điều động ông Lê Quang Nam - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP - giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020; ông Hồ Kỳ Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ nhiệm kỳ 2011-2016 - giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.

Đến ngày 2-3-2016, Thành ủy Đà Nẵng công bố các quyết định phân công nhiệm vụ cho các Thành ủy viên là ông Võ Ngọc Đồng và ông Đào Tấn Bằng. Theo đó, ông Võ Ngọc Đồng thôi giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy để nhận nhiệm vụ mới là Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; ông Đào Tấn Bằng thôi giữ chức Bí thư Quận ủy quận Ngũ Hành Sơn để giữ chức Chánh Văn phòng Thành ủy. Dịp này, Thành ủy Đà Nẵng công bố quyết định điều động, bổ nhiệm nhiều nhân sự tại các sở, ban, ngành, địa phương.

Đến tháng 7-2016, Ban Thường vụ Thành ủy lại quyết định điều ông Lê Quang Nam, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, đảm nhận chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); bà Huỳnh Thị Tam Thanh thôi làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy về giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, nhiệm kỳ 2015-2020.

Tiếp đến, ngày 6-2-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp trục điều động ông Nguyễn Thanh Quang (Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV TP Đà Nẵng) thôi giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy để nhậm chức Bí thư Quận ủy Thanh Khê, nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng lúc này, điều chuyển ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, nhiệm kỳ 2015-2020, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị TP Đà Nẵng.

Đến ngày 6-3-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiếp trục điều động ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, sang giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

Khác nào trù dập (?!)

Việc điều động, luân chuyển cán bộ của Đà Nẵng đã gây ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đầu tiên là việc điều động ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP, nhận công tác khác khiến ông Điểu phản ứng kịch liệt.

Theo lộ trình, đến tháng 2-2018, ông Điểu sẽ về hưu đúng tuổi quy định. Tuy nhiên, khoảng tháng 6-2016, Ban Thường vụ điều động ông Điểu sang làm Phó Ban Tổ chức Thành ủy, Phó Ban Công nghệ cao... Ông Điểu một mực từ chối vì cho rằng ông không thể hoàn thành công việc "lạ lẫm" đó và nhất quyết không nhận. Vì lý do này, tháng 7-2016, ông Điểu xin nghỉ việc.

Liền sau đó, ông Lê Quang Nam vừa được điều động giữ chức Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ chưa được 7 tháng lại tiếp tục được điều sang giữ chức Giám đốc Sở TN-MT. Lúc này, dư luận cho rằng ông Điểu "bị đày" đến mức phải nghỉ việc.

Ông Nguyễn Xuân Anh gây sóng gió ra sao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Anh (người ở giữa, chỉ tay) trong một lần thị sát kiểm tra tình hình ô nhiễm trên bãi rác Khánh Sơn Ảnh: BÍCH VÂN

Vụ thứ hai là điều động ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy Thanh Khê, về làm Hiệu trưởng Trường Chính trị TP Đà Nẵng. Dư luận lúc đó cho rằng từ một bí thư quận năng nổ, nhiệt tình và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà về làm hiệu trưởng Trường Chính trị là không bình thường, bị trù dập.

Nhưng "sóng gió" nhất phải kể đến vụ điều chuyển Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng sang ngồi ghế Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy. Lúc đó, dư luận cho rằng ông Đặng Việt Dũng có trình độ chuyên môn là tiến sĩ kỹ thuật, thạc sĩ ngành thủy lợi, kỹ sư ngành đường ô tô và đã từng đảm nhiệm Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng rồi Bí thư Quận ủy Hải Châu nên giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo thì không đúng chuyên môn cho lắm.

Nhưng rồi, ngày 7-7-2017, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX đã miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đối với ông Đặng Việt Dũng để ông Dũng chuyển hẳn sang nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đánh giá việc luân chuyển điều động cán bộ của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã gây mất đoàn kết, trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Xuân Anh.

Điều tiếng xe và nhà

Trong kết luận của UBKT trung ương cũng nêu rõ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng vi phạm trong việc đồng ý tiếp nhận, sử dụng ô tô và 2 nhà do doanh nghiệp (DN) biếu, tặng sai quy định.

Trước đó, vào giữa tháng 2-2017, dư luận bàn tán xôn xao việc ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng ô tô nghi do DN biếu tặng. Vụ việc này Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin và sau đó, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng đã lên tiếng.

Theo đó, chiếc xe này hiệu Toyota, BKS 43A-299.99 do Bộ Công an cấp và được Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng đăng ký vào ngày 2-2-2016. Về nguồn gốc, xe do Công ty TNHH Minh Hưng Phát (đường Trần Phú, TP Đà Nẵng) trao tặng cho Thành ủy Đà Nẵng và do Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng (72 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng) trực tiếp quản lý, điều động, đưa vào tài sản công do Thành ủy Đà Nẵng quản lý. Đến ngày 4-3 vừa qua, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Văn phòng Thành ủy làm thủ tục trả lại chiếc xe trị giá trên 1,3 tỉ đồng này cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát.

Cũng theo ông Bằng, đáng chú ý là ngoài chiếc Toyota BKS 43A-299.99, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đang quản lý và sử dụng 4 xe công khác đều do DN tặng từ nhiều năm trước đó.

Như kết luận của UBKT trung ương nêu, ông Nguyễn Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc sử dụng 2 nhà ở của DN, dư luận cũng từng bàn đến việc cho - nhận bất thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài căn nhà 43 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu mà gia đình ông Nguyễn Xuân Anh đang ở do cha mẹ ông sở hữu, còn 2 ngôi nhà nghi do DN biếu tặng nằm ở số 45 và 47 Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên, ngôi nhà số 45 (nhà 3 tầng, diện tích đất 138,5 m2, diện tích sử dụng 342,4 m2) được gỡ bỏ địa chỉ và số 43 được gắn vào vị trí giáp ranh giữa 2 ngôi nhà, thông vách với nhau.

Riêng ngôi nhà số 47 (2 tầng, diện tích đất 159,3 m2, diện tích sử dụng 115,8 m2) đang là đại lý bán vé máy bay.

Điều trùng hợp là ngôi nhà 47 cũng do Công ty Minh Hưng Phát tiếp quản sở hữu với người đứng tên là bà Bùi Thị Diễm, trùng tên với vợ Bí thư Nguyễn Xuân Anh!

Lấy văn bằng trường California Southern University không khó

Kết luận của UBKT trung ương cũng nêu ông Nguyễn Xuân Anh kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.

Trước đó, từ tháng 2-1995 đến tháng 9-1998, ông Nguyễn Xuân Anh học cử nhân Quản trị kinh doanh tại trường Humber College (Canada); từ tháng 3-2001 đến tháng 9-2002, học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường California Southern University (TP Costa Mesa, bang California - Mỹ). Cũng từ trường California Southern University, từ tháng 3-2005 đến tháng 12-2006, ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng tiến sĩ hệ chính quy, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chưa công nhận văn bằng của trường này.

Thực ra, California Southern University là một trường đại học tư thục của Mỹ, có tên dễ nhầm lẫn với trường đại học tư nổi tiếng 137 năm tuổi là University of Southern California (TP Los Angeles, bang California).

California Southern University được thành lập vào năm 1978, cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến cho các sinh viên, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực kinh doanh, luật, tư pháp hình sự và tâm lý cho sinh viên trong và ngoài nước, sử dụng hệ thống giáo dục độc quyền. Trước năm 2007, trường này có tên là Southern California University for Professional Studies. Ban đầu, trường chỉ có chương trình đào tạo cao đẳng, sau đó mở rộng cung cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trường được cấp chứng nhận chất lượng vùng bởi Hiệp hội các Trường học, đại học và cao đẳng khu vực phía Tây Mỹ (WASC).

Theo trang web chính của California Southern University, học viên theo học sẽ học tất cả các môn trực tuyến theo lịch trình mà cá nhân tự đặt ra; không có kỳ tuyển sinh đầu vào và mỗi tháng đều có mở khóa học mới. Học viên nước ngoài chỉ cần đăng ký nhập học trực tuyến bằng cách điền đầy đủ thông tin, gửi kèm bảng điểm của các trường đã học trước đây và các giấy tờ cần thiết, như bản sao hộ chiếu, giấy tờ tùy thân, sao kê tài khoản ngân hàng…

Riêng chương trình tiến sĩ Quản trị kinh doanh, ngoài yêu cầu về bằng thạc sĩ liên quan, học viên phải hoàn thành 60 tín chỉ và luận văn trong thời gian học kéo dài khoảng 4 năm. X.MAI

Ông NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức trung ương:

Có khuất tất, biểu hiện trục lợi

Kết luận của UBKT trung ương đối với vi phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ được dư luận đồng tình. Người đảng viên mà lại khai không đúng lý lịch, bằng cấp để vào trung ương thì rõ ràng là sai phạm, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Rồi ở ở cương vị lãnh đạo lại có những biểu hiện sử dụng xe, nhà của DN thì rõ ràng là có khuất tất, biểu hiện trục lợi.

Khi đã là một ủy viên Trung ương Đảng thì vị cán bộ phải là người thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, nhà nước, pháp luật và khi có vi phạm thì đều chịu hình thức xử lý. Hình thức xử lý đối với vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh sẽ do Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương quyết định.

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng

Kết luận của UBKT trung ương là dấu hiệu tích cực của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương khóa XII.

Trên tinh thần siết chặt kỷ cương, trong khóa XII này đã kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị và sắp tới có thể xem xét xử lý 1 ủy viên trung ương mà lại là bí thư của một thành phố quan trọng như Đà Nẵng. Điều đó cho thấy quyết tâm rất cao của trung ương, của Bộ Chính trị là "không có vùng cấm". Bất cứ ở cấp nào mà vi phạm kỷ luật của Đảng thì cũng xử lý nghiêm minh.

Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh là rất đáng buồn nhưng đó cũng là dấu hiệu tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được tiến hành. Từ trường hợp này cũng cho thấy công tác cán bộ, đánh giá con người rất khó, còn những kẽ hở.

T.DŨNG ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo