xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ăn hải sản sống, dễ mắc vi khuẩn “ăn thịt người”

Ngọc Dung

Những người ăn hải sản sống hoặc nấu chưa kỹ, người bị vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển như bơi lội, câu cá, bắt hải sản... dễ có nguy cơ bị vi khuẩn “ăn thịt người” có tên Vibrio vulnificus xâm nhập.

Cảnh giác vi khuẩn từ biển

Làm nghề đánh bắt hải sản trên biển, anh N.Đ.T. (45 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) thường có thói quen chế biến món ăn (hàu, tôm, cá) chưa chín và đây được coi là những món khoái khẩu của ngư dân mỗi khi tụ họp. Sau bữa ăn hải sản tái vào một ngày đầu tháng 9-2023, anh T. thấy đau nhiều vùng thắt lưng, hạn chế vận động kèm theo sốt, đau họng nhiều và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám. Anh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, suy thận cấp trên nền bệnh viêm gan B, tiên lượng bệnh rất nặng.

photo-1702531674438

Ngư dân ở Quảng Ninh nhiễm vi khuẩn V.vulnificus điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy

Sau 6 ngày với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực anh T. mới thoát sốc, tỉnh táo và dần phục hồi. Bác sĩ Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị một số trường hợp bệnh nhân nguy kịch do vi khuẩn "ăn thịt người" V.vulnificus.

Bệnh diễn biến nhanh, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng… thậm chí tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, người có bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh gan mạn tính và suy giảm miễn dịch cũng như đang sử dụng các thuốc điều trị gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cần hết sức cẩn thận trước vi khuẩn này, bởi có thể xảy ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, đã có rất nhiều người dân, đặc biệt là ngư dân sau khi ăn hải sản sống nhiễm vi khuẩn V.vulnificus. quá nặng, phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trung ương điều trị. Có người, vi khuẩn đã tạo thành những ổ mủ lớn, gây hoại tử trên diện rộng, cắt cụt chi; hoặc sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong...

Không chỉ ăn hải sản sống mới gặp loại "vi khuẩn ăn thịt người" này, mà những ngư dân làm việc tại các vùng cửa biển, cửa sông luôn có nguy cơ bị đe dọa; hoặc người bị vết thương khi tham gia các hoạt động trên biển như bơi lội, câu cá, cầm nắm hải sản cũng có thể nhiễm bệnh. Đã có trường hợp nhiễm bệnh qua vết thương rất nhỏ như vết đâm của đuôi con tôm, va phải vỏ hàu khi tắm biển, nhiễm trùng cũng có thể xảy ra do vết thương có từ trước.

photo-1702531675736

Trước đó, một nam bệnh nhân 62 tuổi, (ở Nam Định) làm nghề nuôi tôm nước mặn đã nhiễm phải vi khuẩn V.vulnificus qua vết thương hở ở chân. Bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn. Do có tiền sử bệnh xơ gan nên việc điều trị cho người bệnh rất khó khăn và lâu dài. PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết những năm gần đây, năm nào trung tâm cũng tiếp nhận ngư dân đi biển mắc phải vi khuẩn này và tỉ lệ tử vong rất cao.

Tương tự, Khoa bệnh lây đường hô hấp và hồi sức Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân 59 tuổi, ở Hải Phòng nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị và quanh rốn, nôn và tiêu chảy nhiều lần kèm sốt cao. 

Sau vài giờ, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng (hôn mê, suy hô hấp, tuần hoàn, suy gan, thận), rối loạn đông máu và chuyển hóa nặng.  Mặc dù các bác sĩ đã cấp cứu tích cực nhưng bệnh chuyển biến xấu rất nhanh, bị xuất huyết, hoại tử diện rộng trên da và cân cơ vùng tứ chi. Cấy khuẩn 2 mẫu máu đều dương tính với Vibrio vulnificus (V.vulnificus).

Cẩn thận khi ăn hàu sống

Hàu sống vắt chanh, chấm với xì dầu và mù tạt là món ăn phổ biến trong các nhà hàng, tiệc buffet, quán ăn hải sản. Nhiều người có thói quen ăn hải sản sống như hàu sống, gỏi tôm, ngán sống… mà không hề biết rằng, vi khuẩn V.vulnificus (vi khuẩn gây bệnh của dịch tả) sống ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu, ngán… ở các vùng nước ấm như ven biển, cửa sông và ào, hồ nước lợ. Vi khuẩn này sinh trưởng tốt khi nhiệt độ nước đạt trên 20 độ C.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Thấu, Khoa Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện 108, cho biết vi khuẩn V.vulnificus có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, do đó còn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người". Nguy hiểm hơn, bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn này gây tử vong cao, lên đến 50%, thậm chí 90% nếu bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp tại thời điểm nhập viện và thường tử vong trong 48h mặc dù được điều trị tích cực.

Theo các bác sĩ, sau khi xâm nhập, V.vulnificus sẽ gây nhiễm trùng da và mô mềm, sau đó dẫn đến các viêm tấy, bầm tím, phỏng nước lớn, hoại tử cân cơ... Các triệu chứng này đều cần phẫu thuật điều trị sớm, thậm chí phải cắt cụt chi.

Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn V.vulnificus cũng có thể bị nhiễm trùng huyết với các diễn biến nhanh dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy chức năng đa phủ tạng, rối loạn đông máu và rối loạn chuyển hóa nặng, tỉ lệ tử vong rất cao. Thậm chí những trường hợp qua được giai đoạn cấp tính vẫn có thể tử vong do suy đa tạng kéo dài.

Các bác sĩ cảnh báo không ăn hải sản chưa được nấu chín, tránh bị thương khi tham gia các hoạt động có nguy cơ tiếp xúc với vết thương và vi khuẩn như tắm biển, câu cá biển, đánh bắt và chế biến hải sản.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo