xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Các hãng hàng không lãi lớn vì giá vé máy bay cao?

Thái Phương, Ảnh: Lam Giang

(NLĐO) - Nhiều hãng hàng không lãi đột biến quý I/2024 sau thời gian dài khó khăn khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng các hãng đang kiếm nhiều tiền vì đẩy giá vé máy bay lên cao?

Báo cáo tài chính quý I/2024 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt xấp xỉ 1.500 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 137 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2024 lên tới 4.400 tỉ đồng, trong khi các quý liền trước của năm 2023 đều lỗ (quý IV/2023 lỗ 1.982 tỉ đồng, quý III lỗ 2.203 tỉ đồng, quý II lỗ gần 1.295 tỉ đồng, quý I lỗ hơn 37 tỉ đồng).

Công ty CP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong quý I/2024.

Cụ thể, doanh thu vận chuyển hàng không quý I của Vietjet đạt 17.765 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỉ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay cả tân binh trên thị trường là hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines, cũng lần đầu tiên có lãi sau thuế hơn 10 tỉ đồng trong quý I/2024 sau hơn 3 năm đi vào khai thác.

Các hãng hàng không có kết quả kinh doanh tích cực quý đầu năm 2024 bất chấp thị trường chung gặp khó khăn vì thiếu máy bay (do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney triệu hồi động cơ PW1100 trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam hàng chục máy bay cũng phải tạm dừng khai thác để bảo trì).

Các hãng hàng không lãi lớn vì giá vé máy bay cao?- Ảnh 1.

Giá vé máy bay duy trì ở mức cao không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán. Dịp lễ 30-4 vừa qua, nhiều hành khách cho biết giá vé một số chặng từ TP HCM về các tỉnh miền Trung, miền Bắc... cao ngang so với vé Tết

Đồng thời, trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa đầu năm đến nay tăng rất cao, khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng các hãng lãi lớn có phải do giá vé máy bay cao? Dịp lễ 30-4 vừa qua, nhiều người phải hủy kế hoạch đi chơi bằng máy bay, chuyển sang xe cá nhân hoặc tàu hỏa cũng vì không mua nổi vé máy bay, nhiều sân bay vắng vẻ một cách bất thường.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết hãng lãi đột biến là nhờ nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực; cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, lãi suất... "Hãng báo lãi đột biến còn nhờ đẩy mạnh khai thác quốc tế, nỗ lực tái cơ cấu và yếu tố mùa vụ cao điểm. Trước COVID-19, các đường bay thường lệ quốc tế đóng góp khoảng 65% doanh thu của tổng công ty. Đơn cử, trong quý I, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đã trở lại bằng giai đoạn trước dịch khi đạt hơn 13.800 tỉ đồng, đóng góp 65% vào tổng doanh thu" - đại diện Vietnam Airlines giải thích.

Phân tích báo cáo tài chính quý I/2024 của Vietnam Airlines cho thấy doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của hãng đạt 27.964 tỉ đồng (tăng hơn 19% cùng kỳ năm trước). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã hơn 900 tỉ đồng, gấp nhiều lần cùng kỳ (57 tỉ đồng).

Đáng kể nhất là khoản "thu nhập khác" hơn 3.600 tỉ đồng đã giúp lợi nhuận trước thuế của hãng tăng đột biến lên hơn 4.500 tỉ đồng. Khoản thu nhập này, theo hãng lý giải là do Pacific Airlines (công ty con) phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận.

Hiện Pacific Airlines đã tạm ngừng bay sau khi đàm phán trả toàn bộ máy bay đang thuê và xử lý các khoản nợ, giúp Vietnam Airlines ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý đầu năm.

Trong khi đó, tại báo cáo giải trình biến động lợi nhuận quý đầu năm gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), Vietjet cho hay lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhờ vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng mạnh cùng hiệu quả từ các chương trình gia tăng doanh thu phụ trợ và tối ưu chi phí hoạt động.

Trong quý I hãng mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140 trong đó có tới 103 đường bay quốc tế tới Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc); Thành Đô, Tây An (Trung Quốc); Viêng Chăn (Lào) và các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia)…

Cổ phiếu hàng không còn tăng tiếp?

Kết quả kinh doanh tích cực đã giúp cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp hàng không tăng mạnh. Giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng trần vào phiên cuối tuần sau thông tin kết quả kinh doanh đột biến. Hiện HVN có giá 18.500 đồng, tăng khoảng 36% chỉ trong hơn 1 tháng qua.

Các hãng hàng không lãi lớn vì giá vé máy bay cao?- Ảnh 2.

Cổ phiếu VJC của Vietjet hiện ở mức 106.000 đồng sau khi tăng 2,02% trong phiên cuối tuần.

Một cổ phiếu hàng không khác có 3 phiên tăng liên tiếp là ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khi đang ở mức 94.400 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 18% chỉ trong thời gian ngắn. ACV báo lãi sau thuế hợp nhất quý I/2024 hơn 2.900 tỉ đồng, tăng mạnh 78% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo cập nhật ngành hàng không của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho thấy cổ phiếu dịch vụ hàng không có diễn biến tích cực hơn trong quý I/2024 sau thông tin tăng trần vé máy bay nội địa từ 1-3 theo Thông tư số 34/2023/TT- BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

"Tăng trần giá vé máy bay tạo điều kiện cho các hãng bù đắp chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu, có dư địa điều chỉnh giá vé trên đường bay nội địa. Tuy nhiên, các hãng sẽ phải cân đối giá vé để bảo đảm hiệu quả hoạt động và quyền lợi khách hàng" - chuyên gia của Yuanta Việt Nam thông tin.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo