xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia: Dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị

Bài và ảnh: HOÀNG HỮU HÓA

Bên dòng sông biên giới Sê Pôn là những bản làng kết nghĩa, người dân hai nước Việt - Lào tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng cao

Trên sườn Tây của dãy Trường Sơn trải dọc biên giới Việt - Lào, có một dòng sông miệt mài đưa nước từ huyện Sa Mouay, tỉnh Saravane và huyện Nong, tỉnh Savannakhet - Lào, theo hướng Tây Bắc vào địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị rồi chảy ngược về phía Lào. Đó là Sê Pôn (tiếng Lào là Seponh), dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị hai nước Việt - Lào.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia: Dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị- Ảnh 1.

Sông Sê Pôn, dòng sông biên giới của hai nước Việt - Lào anh em

Nối đôi bờ Việt - Lào

Trên hành trình hòa mình vào đất Việt, sông Sê Pôn chảy qua 8 xã, thị trấn biên giới của huyện Hướng Hóa, với chiều dài gần 70 km. Đây cũng là đường biên giới của hai nước.

Đứng ở thôn Pa Roi, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, nơi sông Sê Pôn từ Lào chảy vào đất Việt Nam, để lại bao nhiêu xúc cảm, nhất là khi thấy cột mốc hiện ra uy nghi bên bờ sông. Đây là cột mốc 3, cùng số với cột mốc 608 (1) tọa lạc trên đất Việt Nam và cột mốc 608 (2) nằm trên đất Lào.

Từ thị trấn Lao Bảo đến xã A Dơi, đường biên giới nằm hoàn toàn trên sông. Sông Sê Pôn chảy qua địa phận Lao Bảo uốn thành một vòng cung ôm lấy thị trấn, bên kia là dãy núi cao của Lào. Người dân Việt thường gọi dãy núi này là Yên Mã Sơn, còn tiếng Lào là Samatẹt - núi Ngựa phi, do có hình thù con ngựa đang phi nước đại.

Dọc theo dòng sông Sê Pôn về phía Việt Nam là các thôn người Kinh, Bru - Vân Kiều, Pa Kô lên khai hoang lập ấp sau ngày Quảng Trị được giải phóng (1-5-1972). Những khu vực dọc sông là địa điểm đắc địa, nhiều người muốn ở vì gần nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, đất đai lại màu mỡ. Bên kia sông là bản làng nước bạn, các dân tộc Lào sinh sống như các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Những triền đồi ven sông Sê Pôn được gieo tỉa lúa khô.

Sê Pôn không chỉ mang lại sự xanh tốt cho vùng biên giới mà còn là dòng sông hữu nghị, thắm máu xương của bao người con Việt - Lào trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Để bảo vệ an toàn tuyến vận tải đường Trường Sơn, quân và dân Quảng Trị, Savannakhet, Saravane với tinh thần "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Tất cả để giải phóng quê hương Việt - Lào" đã kề vai sát cánh chiến đấu, giành chiến thắng ở mặt trận Trung, Hạ Lào và Nam Việt Nam.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là minh chứng rõ nhất cho điều ấy. Người dân vùng biên giới gùi đạn pháo xe tăng tập kết ở xã Thuận, vượt sông Sê Pôn bằng những tấm bè để đánh Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa - cứ điểm quan trọng án ngữ phía Tây Khe Sanh, làm nên chiến thắng Khe Sanh (1968), mặt trận Nam Lào (1971). Từ đây làm bàn đạp cho chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố của lịch sử, người dân hai nước cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Đây là tài sản vô giá của hai dân tộc, các thế hệ hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm giữ gìn và phát triển.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia: Dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị- Ảnh 3.

Ngày càng có nhiều sinh viên Lào được đưa sang đào tạo tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị thông qua các hoạt động kết nghĩa, hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các địa phương của Lào

Dòng sông không ranh giới

Năm 1977, Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia Việt - Lào được ký kết, chia đôi bờ Sê Pôn sang hai quốc gia. Khi ấy, người dân Bru - Vân Kiều, Pa Kô hai bên sông mới thực sự hiểu khái niệm đường biên ngay trên con sông này.

Điều đặc biệt là từ bao đời nay, trong tâm thức, tình cảm của người dân hai nước, dòng sông biên giới này không bao giờ có ranh giới. Sông Sê Pôn kết nối 24 bản làng Việt bên dãy Trường Sơn với những bản làng bên nước bạn Lào. Hàng chục năm qua, những bản làng ở hai bên bờ sông đều kết nghĩa anh em.

Quảng Trị là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình "Kết nghĩa bản - bản" từ sáng kiến của Bộ đội Biên phòng tỉnh này. Đến nay, dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào có 24 cặp bản kết nghĩa, như Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) - Densavan (huyện Seponh, tỉnh Savannakhet)...

Vào các ngày lễ, Tết, đồng bào ở những bản làng biên giới kết nghĩa lại nhộn nhịp băng rừng, vượt sông qua lại thăm nhau. Quà tặng có khi chỉ là bao nếp thơm, vài con cá suối hay ché rượu cần chan chứa tình anh em.

Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia: Dòng sông biên giới thắm tình hữu nghị- Ảnh 4.

Hoạt động trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ngày càng nhộn nhịp

Người dân biên giới tỉnh Quảng Trị với 2 tỉnh Saravane và Savannakhet có truyền thống tương thân tương ái và giao thương lâu đời. Hầu hết nông sản của người Lào dọc biên giới đều đưa sang Việt Nam bán, lấy tiền mua sắm đồ dùng, thức ăn mang về. Người dân Lào đau ốm, bệnh nặng cũng đưa sang trạm xá, bệnh viện ở Việt Nam cứu chữa.

Người dân các bản kết nghĩa có mối quan hệ lâu đời. Khi đồng bào Vân Kiều ở Việt Nam khấm khá nhờ trồng sắn, chuối liền "bày cách" cho dân bản của Lào cùng làm ăn, phát triển kinh tế. Đời sống đồng bào vùng biên ngày càng nâng lên.

Nhờ thực hiện tốt các nội dung kết nghĩa, việc bảo vệ đường biên, cột mốc; chống xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, buôn bán hàng cấm qua biên giới; tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19... được người dân hai bên cam kết chấp hành. Các điểm sáng trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; về giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thôn bản biên giới; về tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế… ngày càng được nhân rộng.

Sông Sê Pôn chảy qua hai nước Việt - Lào không chỉ đóng vai trò là dòng chảy thủy văn mà còn sản sinh nhiều tập tục văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Lào, Việt hai bên bờ. Và hằng ngày, sông Sê Pôn vẫn cứ chảy, như mạch ngầm tình biên giới, hữu nghị của hai nước Việt - Lào anh em. 

Thắt chặt quan hệ hợp tác

Cách nhau chưa đầy 2 km, bên kia sông Sê Pôn là bản Karon nằm ở trung tâm Khu Kinh tế cửa khẩu Densavan, huyện Seponh; bên này là Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Cả hai đều nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Ngày nào người dân 2 bản cũng sang trao đổi, mua bán hàng hóa.

Chảy qua địa phận thị trấn Lao Bảo, sông Sê Pôn đã góp phần đưa thị trấn cất cánh, có tốc độ đô thị hóa nhanh bởi các khu dân cư mới, khu thương mại, dịch vụ lần lượt mọc lên. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, cơ quan, công sở được xây dựng khang trang, hiện đại. Tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, xe tải chở đầy ắp hàng hóa nối nhau vận chuyển giữa nước bạn Lào và Việt Nam nằm trên tuyến EWEC kết nối 13 tỉnh của 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar.

Hơn 15 năm qua, Savannakhet và Quảng Trị đã tích cực hợp tác để đưa EWEC trở thành hành lang kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và văn hóa mang sắc thái riêng độc đáo. Nhờ đó, quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng được thắt chặt, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tỉnh Quảng Trị tự hào vì đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo