xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Kinh đô" dã chiến thay da đổi thịt

Bài và ảnh: ĐỨC NGHĨA

Căn cứ sơn phòng Tân Sở - nơi gần 140 năm trước vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương - giờ đã là một vùng trù phú

Vùng Cùa gồm 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có thành Tân Sở gắn với việc vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương hiệu triệu quan lại, sĩ phu cùng toàn dân đứng lên giúp vua, diệt giặc cứu nước.

Nhiều lần bị san phẳng

Ngược dòng lịch sử, sau Hiệp ước Harmand (1883) và Hiệp ước Patenôtre (1884), trong triều đình Huế và ở các địa phương vẫn còn một bộ phận chủ chiến, với hy vọng giành lại độc lập và chủ quyền từ tay Pháp. Đứng đầu nhóm chủ chiến ở triều đình Huế là Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết.

Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài khi chiến sự xảy ra, cùng với các căn cứ sơn phòng được xây dựng ở nhiều địa phương, Tân Sở được chọn làm trung tâm, có thể trở thành "kinh đô" dã chiến trong trường hợp Kinh thành Huế thất thủ. Vì thế, từ năm 1883, căn cứ Tân Sở bắt đầu được xây dựng trên một quả đồi thấp ở vùng Cùa, nằm giữa ranh giới 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa ngày nay.

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Theo Địa chí Quảng Trị, ngày ấy, dân vùng Cùa ra sức đào hào đắp lũy, lên rừng khai thác gỗ, tre, song mây đưa về xây lũy, làm nhà, dựng trại. Đến đầu năm 1885, căn cứ Tân Sở được xây dựng hoàn thành với diện tích 23 ha, dài 548 m, ngang 418 m.

Xung quanh căn cứ có 3 lớp thành đất, phía ngoài trồng tre gai làm hàng rào, phía trong là hệ thống hào sâu. Trong thành có nhiều trại lính, kho lương thực, kho chứa vũ khí; có cột cờ, nhiều nền súng và giếng nước. Bên trong thành nội có hành cung - nơi vua ở và làm việc. Những công trình này không thể bề thế như ở Kinh đô Huế mà chỉ mang tính dã chiến.

Tuy nhiên, mọi động thái của nhóm chủ chiến, nhất là của Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, đã không lọt qua được con mắt do thám, điều tra của thực dân Pháp. Tướng De Courcy - được Chính phủ Pháp cử sang Việt Nam vào tháng 5-1885 - đã âm mưu bắt giữ Tôn Thất Thuyết. Sau trận tấn công vào Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá vào đêm 5-7-1885, ông cùng phái chủ chiến hộ tống vua Hàm Nghi và Tam cung ra Quảng Trị, quyết tâm tiếp tục chiến đấu.

Sau đó, triều thần quyết định đưa Tam cung trở lại Huế, còn vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết rước lên Tân Sở. Tại đây, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ra dụ (chiếu) Cần Vương, kêu gọi quan lại, sĩ phu cùng toàn dân đứng lên giúp vua, diệt giặc cứu nước. Lời hịch vừa phát ra, khắp nơi ở Quảng Trị, nhiều đại lĩnh địa phương và nhân dân hưởng ứng phong trào Cần Vương, anh dũng chiến đấu, gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

Vua Hàm Nghi ở vùng căn cứ Tân Sở hơn 10 ngày thì được Tôn Thất Thuyết phò ra Bắc. Tuy nhiên, vừa đến đất Quảng Bình, thấy chiến hạm Pháp chặn ở cửa Nhật Lệ và đổ bộ lên Đồng Hới, đoàn xa giá buộc phải trở lại Tân Sở. Trước tình thế đó, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi rời Tân Sở. Từ đây, phong trào Cần Vương ở Quảng Trị ngày càng suy yếu và bị đàn áp dã man, nhiều người hy sinh anh dũng…

Sau khi chiếm được thành Tân Sở, quân Pháp san phẳng căn cứ sơn phòng này. Đến thời kỳ chống Mỹ, thành Tân Sở thêm một lần bị san ủi để làm đồn bốt, sân bay dã chiến của địch. Vì thế, khi hòa bình lập lại, thành Tân Sở chỉ còn là một bãi đất trống với một số khóm tre la ngà sót lại.

Nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch trải nghiệm

Đến giờ, vẫn chưa ai cắt nghĩa được Cùa có nghĩa là gì. Một số người cho rằng trước đây, tên gọi của vùng đất này là Trảng Cù (vùng đất có nhiều chim cù), lâu ngày đọc chệch ra thành Cùa. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thiết trong dân gian.

Điều đặc biệt là đất vùng Cùa trồng cây gì cũng tốt, từ sắn, khoai, dứa, mít đến các loài cây đã trở thành đặc sản như hồ tiêu, chè xanh. Người dân vùng Cùa chất phác, mến khách.

Bây giờ đến vùng Cùa, có thể thấy hầu như khuôn viên nhà nào cũng trồng hoa, nhất là mai vàng. Quanh vườn nhà luôn có vài gốc chè xanh dùng làm thức uống dân dã, mở đầu cho những câu chuyện gần xa.

Cả 2 xã vùng Cùa là Cam Chính và Cam Nghĩa đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là những địa phương được đánh giá có nhiều cách làm hay, sáng tạo; cả hệ thống chính trị và người dân cùng đồng lòng, đồng sức, chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2024, Cam Chính và Cam Nghĩa sẽ tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, Cam Chính triển khai xây dựng xã thông minh.

Ông Lê Hữu Phương, Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa, cho biết xã có 1.677 hộ dân với 6.329 người. Toàn xã có gần 100 ha cây dược liệu các loại như chè vằng, an xoa, cà gai leo, riềng, nghệ... Trồng cây dược liệu ở đây có hiệu quả kinh tế cao gấp 10-20 lần so với trồng màu. Việc trồng và chế biến cây dược liệu đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Cam Nghĩa nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Nếu năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo của xã trên 20% thì nay chỉ còn 1,49%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 57 triệu đồng/người/năm.

Đường giao thông rợp bóng cây xanh ở vùng Cùa

Đường giao thông rợp bóng cây xanh ở vùng Cùa

Trong khi đó, Cam Chính là xã sản xuất kinh tế đa cây đa con, chủ yếu là trồng lúa, sắn và các loại cây công nghiệp như: chè, cao su, hồ tiêu, keo lai kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng thâm canh. Đến nay, toàn xã có 736 ha cao su, 23 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch, hơn 1.350 ha rừng với giá trị thu nhập gần 80 tỉ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính, khẳng định với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, kinh tế của xã đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nếu năm 2010 xã có 168 hộ nghèo (chiếm 14,6%) thì đến cuối tháng 9-2023 chỉ còn 15 hộ (1%).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, chủ trương của huyện là phát triển vùng Cùa theo hướng nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch trải nghiệm. Vùng Cùa có những vườn chè hàng trăm năm tuổi, có những giếng cổ độc đáo vẫn được gìn giữ, tôn tạo. Đặc biệt, nơi đây có đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương - nơi ghi dấu lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Năm 2019, đền thờ này được khởi công xây dựng với vốn đầu tư hơn 7 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Đến năm 2020, công trình hoàn thành và thu hút nhiều du khách đến viếng thăm, tưởng niệm.

"Năm nay, hàng trăm đoàn khách đã đến Cùa tham quan, trải nghiệm, có cả người nước ngoài. Họ chủ yếu đi theo tour du lịch kết nối các địa danh lịch sử khác trên địa bàn. Sau khi thăm đền thờ, nghe chuyện về vị vua trẻ yêu nước và các tướng sĩ Cần Vương, du khách được thưởng thức gà Cùa - đặc sản nức tiếng của vùng đất này" - ông Tuấn giới thiệu. Theo ông, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục "đánh thức" nhiều địa điểm khác ở vùng Cùa để thu hút thêm du khách.

Người kể chuyện vùng Cùa

Ông Nguyễn Văn Hiếu - trưởng thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính - được dân địa phương xem là "người kể chuyện vùng Cùa".

Ông Hiếu là người mê sử, từng tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt. Từ năm 2015 đến nay, ông được người dân tín nhiệm, bầu làm trưởng thôn Mai Lộc 2.

Ông Nguyễn Văn Hiếu được giao việc quản lý, hướng dẫn tại đền thờ

Ông Nguyễn Văn Hiếu được giao việc quản lý, hướng dẫn tại đền thờ

Năm 2020, sau khi đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương xây dựng hoàn tất, ông Hiếu đảm nhận thêm việc quản lý, hướng dẫn tại Di tích lịch sử quốc gia thành Tân Sở. Tại cổng đền thờ có tấm bảng nhỏ ghi số điện thoại của ông. Đoàn khách nào đến tham quan, chỉ cần "a-lô" là ông có mặt ngay và tận tình hướng dẫn.

Trong 3 năm qua, ông Hiếu đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách. Nhiều trường học cũng đưa học sinh đến đây sinh hoạt ngoại khóa và thông qua "hướng dẫn viên" Nguyễn Văn Hiếu để hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử bi tráng của dân tộc.

Theo ông Hiếu, vùng Cùa được khai khẩn cách đây gần 500 năm, cụ thể là vào năm 1533. Tiền hiền là ông Nguyễn Văn Toản, quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng trị ngày nay.

"Trước khi đến vùng Cùa, ông Toản thưa với cha mẹ: Con lên trên đó để khai hoang lập ấp, tạo dựng cuộc sống mới. Con sẽ đem theo một cành mai vàng. Khi lên đó, việc đầu tiên là con sẽ cắm cành mai xuống đất. Nếu mai sum suê, tươi tốt, đâm chồi nảy lộc thì xóm thôn sẽ sinh sôi, nảy nở và trù phú, xanh tươi. Ngược lại, cành mai tàn tạ, héo úa thì có nghĩa xóm thôn không tạo ra được mà chúng con có thể chết mất xác ở nơi rừng thiêng, nước độc" - ông Hiếu kể chuyện ông Nguyễn Văn Toản.

Tương truyền, sau khi cắm cành mai xuống đất Cùa thì cây đâm chồi nảy lộc, phát triển tươi tốt. Vì điềm báo tốt lành này nên xóm thôn ngày càng phát triển, đông đúc hơn. Tên làng Mai Lộc (cành mai ra lộc) được sử dụng cho đến nay, như là sự tri ân của hậu bối đối với vị tiền hiền. 

"Đường vào vùng Cùa nay thênh thang, xe bon bon đêm ngày. Không như thuở trước, muốn đưa sản vật địa phương ra ngoài thì người dân phải cuốc bộ, gồng gánh. Dường như vùng Cùa có khí hậu riêng, mùa hè gió Lào ít nhiều "bỏ quên" nơi này.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo