xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đà Lạt cứ mưa là ngập, vì đâu?

Bài và ảnh: Trường Nguyên

Bốn nguyên nhân chính được các chuyên gia chỉ ra là do diện tích nhà kính quá lớn, bê-tông hóa nhanh, hệ thống thoát nước cũ và thời tiết ngày càng bất thường đang khiến TP Đà Lạt ngập nặng mỗi khi mưa to

Ngày 28-6, UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo các phường, xã và đơn vị liên quan khẩn trương nạo vét, có những giải pháp cần thiết để chống ngập ở thành phố này. Những giải pháp này được đưa ra sau cơn mưa trưa 23-6 khiến Đà Lạt bị ngập sâu trong nước.

Đà Lạt ngập - không còn chuyện lạ

Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao 1.500 m so với mực nước biển, có nhiều ao hồ và suối để tiêu thoát nước, nên trước đây, hiếm khi Đà Lạt bị ngập. Tuy nhiên, bây giờ điều đó không còn lạ.

Đà Lạt cứ mưa là ngập, vì đâu? - Ảnh 1.

Đoạn vòng xoay Trần Quốc Toản - Bùi Thị Xuân, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị ngập sau cơn mưa ngày 23-6

Theo UBND TP Đà Lạt, cơn mưa cường độ lớn kéo dài khoảng 1 giờ vào trưa 23-6 tại trung tâm thành phố đã khiến 3 vị trí bị sạt lở, 9 cây xanh gãy đổ và nhiều khu vực ngập úng. Một số đoạn đường như Phan Đình Phùng gần suối Cam Ly, vòng xoay Bùi Thị Xuân, khu quy hoạch golf Valley, Ba Tháng Hai. Ngay cả đường Trần Quốc Toản bên cạnh hồ Xuân Hương cũng bị ngập một số đoạn.

Nhiều người dân sống gần đoạn ngập đường Phan Đình Phùng không hiểu chuyện gì xảy ra khi tuyến đường này vừa được mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn cứ ngập. "Nước đỏ ngầu từ con suối Cam Ly tràn lên nhanh lắm, may là đang buổi trưa nên chúng tôi mới kịp dọn đồ lên cao. Nếu là ban đêm đang ngủ thì chắc chắn không kịp trở tay" - bà Tám Linh, người dân có nhà trên đoạn đường này, kể lại.

Theo hướng bà Linh chỉ, phóng viên đi dọc suối Cam Ly từ trước chung cư Mạc Đĩnh Chi đến Tô Ngọc Vân, rồi men theo đường Tô Ngọc Vân dọc nhánh suối dẫn về Phan Đình Phùng, càng đi, con suối càng nhỏ, nước tuôn càng mạnh, nhiều đoạn nước chảy xiết, màu đỏ quạch.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho rằng nguyên nhân TP Đà Lạt ngập hôm 23-6 do mưa với cường độ lớn, tập trung chỉ trong vòng 1 giờ, lượng mưa đo được ở các phường là gần 60 mm, làm nước đổ nhanh về các khu vực trũng thấp dẫn đến tiêu thoát nước không kịp.

Để hạn chế ngập úng, UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các phường, xã và đơn vị liên quan khẩn trương nạo vét, khơi thông hệ thống mương thoát nước, đặc biệt là các khu vực trung tâm xảy ra ngập vừa qua. Các đơn vị thi công dự án hạ tầng trên địa bàn có giải pháp thi công phù hợp, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, không để vật liệu, cát, đá tràn xuống mương cống thoát nước gây ách tắc dòng chảy.

Trong 5 năm trở lại đây, TP Đà Lạt thường bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Đặc biệt trận mưa chỉ kéo dài trong 30 phút ngày 1-9-2022 đã làm trung tâm TP Đà Lạt ngập trong nước, có nơi ngập gần 1 m. Càng ngày, số lượng những lần TP Đà Lạt bị ngập càng nhiều.

Cần giải pháp đồng bộ

Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhận định thời tiết bất thường, các cơn mưa lớn xuất hiện chỉ là một trong những nguyên nhân gây ngập úng TP Đà Lạt. Thời tiết cực đoan là việc có thể dự báo được và làm sao để thích ứng được mới là vấn đề.

Theo ông Cương, nguyên nhân ban đầu cần nhìn rõ là đô thị Đà Lạt đã có lịch sử hơn 100 năm. Trước đây quy mô còn nhỏ nên hạ tầng thoát nước cũng tương ứng. Hiện nay, Đà Lạt đô thị hóa nhanh, bê-tông hóa nhanh trong khi hệ thống thoát nước không "chạy theo" kịp dẫn đến ngập úng.

Nguyên nhân không kém quan trọng là diện tích nhà kính của TP Đà Lạt quá lớn, trải dài từ các phường trung tâm ra ngoại ô. "Mưa rơi xuống thì đất thấm trước, không thấm được nữa sẽ chảy ra hệ thống thoát nước. Giờ đây nhà kính rất nhiều, mưa không thấm xuống đất tại chỗ nên chảy vào kênh mương rồi đổ về Đà Lạt, ngập là không tránh khỏi" - ông Cương phân tích.

Tiếp theo, ý thức người dân về rác thải, duy tu bảo dưỡng, thường xuyên khơi thông dòng chảy… không tốt cũng tạo nên chuyện TP Đà Lạt bị ngập.

Theo kiến trúc sư Cương, việc Đà Lạt đang cố gắng giảm diện tích nhà kính là một phần giải pháp về lâu dài, cần nhiều năm và không ít khó khăn. Cần kết hợp với các giải pháp ngắn hạn khác mới phần nào hạn chế được tình trạng ngập úng của TP Đà Lạt. Đà Lạt cần phải nâng cấp hệ thống thoát nước giờ đây không còn theo kịp tiến trình đô thị hóa. "Tuy nhiên, việc này nói thì dễ nhưng làm rất khó và tốn kém. Do vậy, cần đầu tư trước ở những khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập cao rồi mới đến những nơi ít ngập sau để dần dần hoàn thiện" - ông Cương nói. Còn trước mắt, khi chưa thể nâng cấp hệ thống thoát nước thì phải thường xuyên nạo vét cống rãnh, khơi thông dòng chảy, vận động người dân không xả rác, nhất là rác thải ni-lông để cống rãnh không bị chắn nước, bồi lấp… thì mới mong hạn chế phần nào tình trạng ngập úng ở Đà Lạt.

Đà Lạt sắp tới sẽ mở rộng lên nhiều lần. Một chuyên gia trong quy hoạch đô thị cho rằng phải đưa việc chống ngập úng cho TP Đà Lạt vào quy hoạch tổng thể. Nếu cứ để chống ngập chạy sau đô thị hóa như hiện nay thì việc khắc phục sẽ càng khó và tốn kém. 

Hơn 2.900 ha nhà kính

Diện tích nhà kính đến cuối năm 2022 tại TP Đà Lạt là 2.907 ha. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm còn 2.372 ha; đến năm 2030 không còn diện tích nhà kính tại các phường nội ô, diện tích nhà kính giảm còn 548,67 ha; đối với địa bàn các xã sẽ khống chế diện tích nhà kính không quá 20%/tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Đà Lạt cứ mưa là ngập, vì đâu? - Ảnh 3.
Đà Lạt cứ mưa là ngập, vì đâu? - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo