xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nâng chất lượng nguồn lao động phái cử

GIANG NAM

Phải thay đổi tư duy để người lao động phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực trong quá trình làm việc ở nước ngoài và thành công khi trở về nước

Sáng 27-12, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước"; lễ vinh danh "Đơn vị xuất khẩu lao động (XKLĐ) tiêu biểu năm 2023" và phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động". Sự kiện có sự tham dự của 36 đại biểu đại diện cho các cơ quan bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức xã hội.

Tạo mọi điều kiện

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Bá Hoan cho biết Đảng và Nhà nước đề ra nhiều chủ trương, chính sách đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng song song với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. 

Chủ trương đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho NLĐ và tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước. Đồng thời góp phần tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam với những nước sử dụng lao động theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, tôn trọng pháp luật và truyền thống dân tộc của nhau.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, các chủ trương, chính sách trên được cụ thể hóa bằng những dấu mốc quan trọng. Năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 370/HĐBT về quy chế đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về XKLĐ và chuyên gia. 

Năm 2006, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 

Cuối năm 2022, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Chỉ thị số 20 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới", yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

"Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH cùng các DN dịch vụ được cấp phép đã đưa hàng vạn NLĐ đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc. Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5 - 4 tỉ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước" - ông Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại hội thảo Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại hội thảo Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Điều phối viên quốc gia, Chương trình lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho biết ILO Việt Nam đang nghiên cứu để thực hiện chương trình làm việc ở nước ngoài với chi phí 0 đồng cho NLĐ Việt Nam. Chương trình có sự phối hợp 3 bên (NLĐ, DN dịch vụ và nhà tuyển dụng), có sự hợp tác với Chính phủ nhằm bảo vệ NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài. 

"ILO cho rằng quốc gia tiếp nhận lao động được hưởng lợi từ NLĐ nước ngoài nên phải trả phí cho NLĐ. ILO muốn đồng hành, tư vấn cho NLĐ đi làm việc nước ngoài về chi phí, hợp đồng, rủi ro liên hệ với các cơ quan nào… ILO cũng sẽ hỗ trợ NLĐ khiếu nại hiệu quả, đền bù thỏa đáng khi bị chèn ép trong lúc ra nước ngoài làm việc" - bà Thủy nói.

Xây dựng thương hiệu lao động Việt Nam

Ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Bộ LĐ-TB-XH tại TP HCM - đánh giá cao ý tưởng của Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo và vinh danh các đơn vị XKLĐ tiêu biểu và cho rằng đây là minh chứng cho thấy báo chí đang tích cực đồng hành với hoạt động XKLĐ. Chính báo chí đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền để NLĐ, các cơ quan chức năng, đoàn thể và cả DN dịch vụ thấy rõ những thành tựu to lớn khi ra nước ngoài làm việc, góp phần đưa hoạt động XKLĐ tăng trưởng nhanh chóng suốt thời gian qua.

Nhấn mạnh vai trò đào tạo của các DN dịch vụ trong hoạt động XKLĐ, ông Thắng mong muốn các DN phải thực hiện nghiêm túc quy định của luật, phải có cơ sở đào tạo hoặc liên kết đào tạo theo mô hình chuẩn. Chú trọng đào tạo ngoại ngữ, đào tạo định hướng, văn hóa, tác phong chuyên nghiệp cho NLĐ trước khi phái cử. "Chúng ta đang hướng tới việc đưa NLĐ qua đào tạo, có tay nghề phù hợp ra nước ngoài làm việc bởi yêu cầu của các thị trường tiếp nhận ngày một cao. Hiện chủ trương của bộ là giảm đưa lao động phổ thông, tăng chất lượng lao động đưa đi" - ông Thắng nói.

Cũng đề cao yếu tố đào tạo cho NLĐ trước khi đưa ra nước ngoài làm việc, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco), cho biết học viên ở Saigon Intergco sáng thứ hai hằng tuần phải chào cờ, hát Quốc ca. "Giáo dục lòng tự hào dân tộc, màu cờ sắc áo để NLĐ ý thức được mình là người Việt Nam, ra nước ngoài làm việc vẫn giữ khí chất của người con đất Việt để từ đó phấn đấu, rèn luyện cho bản thân, cho tương lai của NLĐ" - bà Cúc chia sẻ.

Ở Saigon Intergco dạy văn hóa, đào tạo tiếng Nhật và đào tạo nghề là mục tiêu chuẩn để NLĐ thích ứng với việc làm và cuộc sống Nhật Bản khi còn ở Việt Nam. Theo bà Cúc, để khích lệ NLĐ, Saigon Intergco đưa ra các mức thưởng khi học viên đạt yêu cầu chỉ tiêu tiếng Nhật nhất định. Công ty cũng khẳng định trách nhiệm rõ ràng với NLĐ, với gia đình của NLĐ, địa phương nơi tiến cử NLĐ cho công ty. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước phái cử là việc mà Saigon Intergco phải tập trung làm tốt.

Khắc phục những bất cập

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ LĐ-TB-XH, cho biết hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn phải phát huy hiệu quả, chất lượng, những kỹ năng người Việt học được ở nước ngoài trở về. 

Việc này không chỉ giúp thu hút DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn thu hút du lịch. Muốn làm tốt điều này thì khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho NLĐ là hết sức quan trọng. "Để tạo điều kiện cho NLĐ vùng khó khăn, lao động nghèo, chúng ta cần tiến đến mục tiêu giảm tối đa chi phí, hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Hiện Dolab đang phối hợp với ILO để làm việc với cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản, nhằm giúp NLĐ sang Nhật làm việc với chi phí thấp nhất có thể" - ông Liêm thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề xuất các cấp chính quyền và DN dịch vụ phải làm sao để nâng cao thương hiệu NLĐ Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc. Bà Lam cho rằng việc đánh giá những tác động của luật, các chính sách liên quan hoạt động XKLĐ đã đi vào thực tiễn đời sống hay chưa đã được nhiều đại biểu làm rõ trong hội thảo. 

Vấn đề nằm ở chỗ đề ra phương hướng khắc phục những nhược điểm, bất cập để có những tháo gỡ kịp thời, đồng thời đề xuất những hướng đi đúng đắn, phù hợp hơn. "Qua những tham luận, tôi thấy có những mặt đã làm tốt như cơ sở pháp lý từng bước được hoàn chỉnh, kịp thời chấn chỉnh, điều tiết để hoạt động XKLĐ ngày một tốt hơn. Thị trường cũng ngày càng rộng mở, số lượng lao động đưa đi tăng dần hằng năm. Xây dựng được một lực lượng lao động chất lượng cao, tạo được công ăn việc làm bền vững, đồng thời giảm nghèo bền vững" - bà Trần Thị Thanh Lam kết luận. 

Tuy vậy, mặt chưa được là sự quan tâm chưa đồng đều giữa các địa phương; sự cạnh tranh chưa lành mạnh của một số DN dịch vụ; giáo dục định hướng, đào tạo cho NLĐ một số nơi chưa quan tâm đầu tư; trình độ tay nghề của NLĐ còn hạn chế khi tham gia XKLĐ...

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp như cần nâng cao chất lượng và trách nhiệm của DN khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; tạo thương hiệu, văn hóa Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh cung cấp thông tin, kể cả thông tin rủi ro; tạo cơ hội, bồi dưỡng để NLĐ trở về nước tự tin khởi nghiệp hoặc trở thành những nhân sự xuất sắc... "Tôi cho rằng những gì hội thảo đặt ra hôm nay sẽ được các cấp quản lý nhà nước quan tâm, chỉ đạo và thực hiện trong thời gian tới" - bà Trần Thị Thanh Lam nói. 

"Tôi hoan nghênh Báo Người Lao Động đã tổ chức sự kiện quan trọng này nhằm động viên, biểu dương DN, địa phương… có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động XKLĐ, đồng thời thảo luận, đề xuất các giải pháp, cách làm mới để nâng cao hiệu quả trong tình hình mới" - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan nói.

18 doanh nghiệp, địa phương, đơn vị được vinh danh

* Nhóm doanh nghiệp: Công ty TNHH Esuhai, Công ty TNHH Hợp tác Quốc tế Mai Linh, Công ty CP Thương mại Đầu tư và Phát triển nguồn nhân lực (TRACIMEXCO), Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động và chuyên gia Haio (HAIO EDUCATION), Công ty TNHH MTV Phát triển nhân lực Tocontap Sài Gòn, Công ty CP Nhật Huy Khang International (NHHK), Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế Sài Gòn (Saigon Intergco), Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA), Công ty CP Phát triển nhân lực và Thương mại Việt Nam (Vinamex), Công ty CP Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông (Estrala), Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Sài Gòn Thiên Vương, Công ty TNHH Tổ chức Tư vấn Giáo dục Quốc tế IECS.

* Nhóm địa phương: Tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Cà Mau, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Bến Tre, tỉnh Quảng Nam.

* Đơn vị hỗ trợ: Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chụp ảnh cùng 12 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chụp ảnh cùng 12 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động" năm 2024

Tại chương trình, Báo Người Lao Động đã chính thức phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động" lần thứ nhất năm 2024. TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết lao động - việc làm là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, của đời sống xã hội, là trụ cột phát triển đất nước và giữ vững, ổn định an ninh - chính trị quốc gia. Trong đó, NLĐ luôn là vốn quý, quý nhất. Với ý nghĩa như trên, nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo cách mạng thông qua việc tổ chức đa dạng các hoạt động trên mặt báo và sau mặt báo về lĩnh vực lao động - việc làm, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Nâng bước người lao động" lần thứ nhất năm 2024.

Cuộc thi như là một cách mở ra "sân chơi" cho bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước, thông qua diễn đàn báo chí, chia sẻ những câu chuyện hay trong cuộc sống, những điển hình giàu nghị lực vượt qua nghịch cảnh để vươn tới thành công, những tấm gương người tốt - việc tốt, qua đó lan tỏa lối sống tử tế, truyền cảm hứng và năng lượng tích cực đến cộng đồng. Cũng thông qua cuộc thi, tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa cơ quan báo chí với DN đồng hành và bạn đọc, bạn viết; giữa DN và công chúng báo chí, qua đó xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu cho DN, đưa thương hiệu DN đến với công chúng rộng rãi hơn. Các bài viết dự thi tập trung vào 2 phạm vi nội dung: Một là, đối với lĩnh vực lao động - việc làm nói chung; hai là, đối với lĩnh vực XKLĐ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo