xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ cải lương đoạt giải thưởng đi về đâu?

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Các cuộc thi về sân khấu cải lương hiện nay ngày càng nhiều, nguồn nghệ sĩ đoạt giải rất đông nhưng theo được với nghề là rất ít

Nghệ sĩ Phương Anh (Nhà hát Tây Đô) với vai diễn Nguyễn Trung Trực tại Cuộc thi “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền”  năm 2023

Nghệ sĩ Phương Anh (Nhà hát Tây Đô) với vai diễn Nguyễn Trung Trực tại Cuộc thi “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” năm 2023

Uy tín của các cuộc thi hiện nay tỉ lệ nghịch với mong muốn của công chúng. Bằng chứng là các sàn diễn cải lương được giới thiệu có nghệ sĩ đoạt HCV, HCB nhưng bán vé không nhiều người mua, thậm chí tặng vé mời cũng ít người đến xem!

Sân khấu không thể sáng đèn

Cuộc thi cải lương "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" năm 2023 do UBND TP Cần Thơ và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ vừa kết thúc tốt đẹp. Cuộc thi đã tìm ra chủ nhân của 5 HCV, 7 HCB qua đó bổ sung những diễn viên trẻ tiềm năng cho sân khấu cải lương.

Nói thêm về cuộc thi này năm nay, NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cho rằng "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" 2023 có nhiều cải tiến trong cách chấm giải, chú trọng việc trao giải cho những nhân tố có sự đầu tư và sáng tạo nghệ thuật cao. Ban giám khảo đã nói không với quan điểm cũ "chấm giải theo mặt trận" - kiểu dàn đều cho nghệ sĩ các tỉnh tham gia đều sẽ có giải thưởng.

"Với cách chấm giải mới này, nhiều tỉnh có thí sinh dự thi nhưng đã ra về "trắng" tay. Thông tin này là tích cực vì góp phần thiết thực nâng cao chất lượng đầu ra của thí sinh" - NSND Giang Mạnh Hà nhìn nhận.

Nghệ sĩ Phương Anh (Nhà hát Tây Đô) với vai diễn Nguyễn Trung Trực tại Cuộc thi “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền”  năm 2023

Nghệ sĩ Phương Anh (Nhà hát Tây Đô) với vai diễn Nguyễn Trung Trực tại Cuộc thi “Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền” năm 2023

Theo những người trong cuộc, không ai phủ nhận việc công nhận các giải thưởng cá nhân dành cho nghệ sĩ là cần thiết, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của đời sống sân khấu cải lương. Điều đáng lưu tâm ở đây cũng là bài toán khó đặt ra cho các đơn vị nghệ thuật: Nhiều nghệ sĩ sau khi sở hữu HCV, HCB danh giá vẫn gặp khó khi quay lại với đơn vị nghệ thuật của mình vì sân khấu không thể sáng đèn.

Không có vở diễn cũng đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đời sống bấp bênh.

Giới nghệ sĩ cũng tâm tư về việc được phong tặng các giải thưởng, danh hiệu cao quý của nhà nước (nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân) là sự động viên rất lớn đối với văn nghệ sĩ. Khi đón nhận danh hiệu cao quý này, mỗi nghệ sĩ đều nhận thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn.

Và để bắt đầu lọt vào vòng xét tặng danh hiệu thì nghệ sĩ phải có sự cống hiến, tích cực tham gia cuộc thi, liên hoan để sở hữu HCV, HCB. Nhưng thực tế phía sau giải thưởng HCV, HCB này họ đi về đâu khi nhiều sàn diễn ngưng trệ, khán giả cũng thưa thớt.

Chú trọng sau cuộc thi

NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền" 2023 - cho rằng: "Sau cuộc thi, cần lắm những đợt quảng bá để các nghệ sĩ sở hữu HCV, HCB có cơ hội biểu diễn, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo dựng uy tín nghề nghiệp với khán giả".

"Đã là nghệ sĩ thì phải có nhiệm vụ biểu diễn phục vụ công chúng. Tại TP Cần Thơ, nơi có nhà truyền thống "Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền", địa điểm này sẽ có ý nghĩa khi trở thành nơi tổ chức các đợt quảng bá, nơi hội tụ của các nghệ sĩ HCV, HCB" - NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng đề xuất.

Họa sĩ Trần Thiện, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, cũng trăn trở trước tình trạng nhiều nghệ sĩ có giải cao sau các cuộc thi nhưng không có đất diễn; phải đi hát ở đám tiệc hay quán ăn để có thu nhập và không lụt nghề. Nhiều người trong cuộc cho hay khi họa sĩ Trần Thiện chưa nghỉ hưu, ông thường xuyên kết nối với các đơn vị quen biết, với các tỉnh bạn để "đưa quân" đến giao lưu biểu diễn phục vụ.

Cũng có sự chủ động sáng tạo như họa sĩ Trần Thiện, NSND Thanh Nam - nguyên Giám đốc Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang, cũng đã từng có cách làm độc đáo: Thay vì chỉ tiêu mỗi năm 30 suất, ông dồn kinh phí lại chỉ diễn 10 suất nhưng chất lượng chương trình, vở diễn đạt chất lượng cao. Quy tụ nghệ sĩ ngôi sao diễn cùng với các nghệ sĩ vừa đoạt HCV, HCB, cách làm này đã thu hút khá đông khán giả. Các nghệ sĩ trẻ có thêm cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp.

Theo các nhà chuyên môn, giải thưởng cao nhất chính là sự ghi nhận, đánh giá của công chúng. Với nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là tạo được dấu ấn cá nhân trong đời sống nghệ thuật và được công chúng nhớ tên, biết mặt.

Do vậy, đã đến lúc những người trong cuộc cần phải quan tâm nhiều hơn đến hoạt động sau cuộc thi, có sự chăm chút cho những vở diễn chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của khán giả. 

Theo các nghệ sĩ lão thành, quảng bá vở diễn mà phát vé mời cũng không ổn, phải làm sao để khán giả mua vé xem, như thế mới thật sự là sự đầu tư đúng tầm cho diện mạo sân khấu cải lương hôm nay.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo