xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà Mười Xiềm nổi lửa đúc bánh xèo ở Washington D.C

Theo Hồng Hạnh (Thanh Niên)

Bà Mười Xiềm đã về lại xóm nghèo Trà Nóc sau hai tuần thăm thú xứ cờ hoa (Thanh Niên đã đăng tải trên phóng sự Mười Xiềm đi Mỹ). Coi bộ bà Mười không quen lắm phong thổ xứ bển. Lại thêm chuyến bay mấy chục tiếng đồng hồ, quá cảnh tùm lum nơi khiến cho một bà già quê trớt chỉ muốn mau về nhà vì "sang cả cho mấy cũng hổng bằng xứ quê mùa của tui".

Biểu diễn cho Mỹ coi

Những sân bay quốc tế rộng mênh mông, vô số cửa ra vào đã khiến bà Mười Xiềm tá hỏa, lóng cóng chân tay khi bước vào nước Mỹ. Và bà Mười lại càng đánh lô tô trong bụng khi Ban tổ chức chỉ cho bà thấy quảng trường quốc gia Mall thênh thang, hoành tráng giữa trung tâm thủ đô Washington D.C mà rằng: "Vài bữa bà Mười dọn bếp làm bánh, nấu ăn nơi này nè". Trong khi đó, đã năm sáu chục năm nay bà chỉ quen nấu nướng bên chái bếp đen nhẻm có vài ba mét vuông lợp lá dừa nước, mỗi khi gió thổi mạnh là cửa nẻo bay lật phật, cũng như bao nhiêu gian bếp quê xứ Nam Bộ này đây.

img
Bà Mười khoe những bằng khen của Ban tổ chức Lễ hội dân gian và của Bộ VHTT - Ảnh: Trương Công Khả

Bà Mười chỉ bớt sợ khi biết, gian bếp của bà cũng liền kề với khu vực mà các nghệ nhân Bana Tây Nguyên đẽo thuyền độc mộc, gõ trống khua chiêng; rồi các nghệ nhân ở Sóc Trăng múa Rô-băm; các nông dân thứ thiệt xứ Bạc Liêu múa lân, đờn ca tài tử. Mà cũng theo lời bà Mười thì đa số người đi trong đoàn đều quê mùa, "Hai Lúa" như bà Mười vậy. Và bà Mười cũng bớt sợ, khi thấy "chợ Mỹ" mà bán đồ giống hệt VN mình! Bà khoe: "Thấy vậy mà đủ thứ nghen cô. Nào là nước mắm, rau cải, gạo nếp, dừa khô. Có điều đồ ở bển cái nào, cái nấy nó bự bành ki. Lá rau húng lủi to muốn bằng... bàn tay. Dừa khô thì nhiều vô số, lớp cơm dừa nạo sẵn đông lạnh, lớp nước cốt dừa đóng lon, lớp dừa trái. Sẵn tui có đem theo bàn nạo dừa nên tui chọn dừa trái. Cực chút đỉnh nhưng làm cho... Mỹ họ coi". Vậy là cứ 9 giờ sáng, bà Mười lại lọ mọ từ khách sạn ngoắc taxi ra quảng trường Mall để ngâm gạo, nạo dừa!

Không chỉ mấy "ông tây", "bà đầm" xứ cờ hoa mà ngay cả thành viên các nước tham gia lễ hội và nhất là bà con Việt kiều xa xứ cứ xúm đen, xúm đỏ mỗi khi bếp bà Mười đỏ lửa. Họ cứ... ồ, à khi bà tráng bánh nghe cái xèo, hay thấy bà thoăn thoắt xay bột, vo nhân bánh. Bà Mười khoe, chợ bên Mỹ bán toàn tôm, tép bự không hà; hột đậu xanh cũng lớn trọng nên cái bánh xèo xem chừng bề thế lắm. Chừng như nhớ cái xóm nghèo Trà Nóc của mình nên bà Mười lại nhắc: "Xứ tui mà bán cái bánh xèo cỡ này dám chừng họ hổng có tiền trả à nghen". Có điều bà cứ tiếc là rau bên đó không đủ vị như bên VN mình. Quanh đi quẩn lại chỉ có 3 món: xà lách, húng lủi, húng quế, lá nào lá nấy to lúc lỉu, hổng thấy mùi vị gì mấy. Vậy mà mấy ông Mỹ thấy cái "pizza VN" có đủ thứ: bột, đậu xanh, tôm, giá, củ sắn lại thêm một đĩa rau kèm, chén nước mắm cũng pha vào đó cà rốt, củ cải xắt sợi, cứ tấm tắc khen rằng: "Dân quê VN kham khổ mà ăn uống khoa học quá". Bà Mười nghe thông dịch lời của ổng, mới lẹ miệng nói liền: "Chèn ơi, rau rác cỡ này mà nhằm nhò gì. Mấy ông mà qua được Cần Thơ tui cho ăn một rổ rau rừng". Nói rồi bà kể một lô, một lốc nào là cải xanh, nào là giấp cá, nào là hẹ, giá rồi lá lụa, đọt chùm ruột, đinh lăng, sao nhái... Nghe vậy, có một vị khách Mỹ xin ngay địa chỉ rồi hẹn đến ngày 28.7 tới đây khi qua VN sẽ xuống Cần Thơ gặp bà Mười!

img
Bà Mười lại trở về với công việc mưu sinh mỗi ngày - Ảnh: Trương Công Khả

Ngày biểu diễn gói bánh tét cũng kỳ công không kém. Bà Mười cũng nhạc nhiên khi thấy họ đem đến đủ thứ nào là lá chuối, cọng dây lạt buộc bánh, rồi thịt ba rọi để làm nhưn. Người ta cũng xúm đen xúm đỏ lại xem bà Mười làm... "ảo thuật" khi hổng thấy cái khuôn bánh nào cả mà thoắt cái là xong xuôi đòn bánh tròn lẳn, đều đặn như nhau. Họ cũng ngạc nhiên không kém khi biết bà Mười phải nấu cỡ nửa ngày sắp lên, nồi bánh mới chín và đó cũng là công việc thường ngày của bà Mười cũng như biết bao nhiêu người đàn bà xứ Việt để mưu sinh và để phục vụ cho gia đình.

Một ông Mỹ đã mừng rỡ nhảy lưng tưng khi được bà Mười tặng cho một đòn bánh tét còn nóng hôi hổi. Khách thưởng lãm cũng ngạc nhiên không kém khi thấy loáng cái bà Mười đã nấu xong một bữa cơm gia đình với nào là khổ qua dồn thịt, thịt kho gừng, cá kho tộ... Không chỉ bà con Việt kiều xa xứ mà cả các bà đầm cũng lăng xăng đòi phụ bà Mười. Họ lóng ngóng bắt bột, vo nhân làm bánh ít trần xem chừng chăm chú lắm. Một bà đầm (bà Mười kể chuyện thì cứ "tây", "đầm" ráo trọi, vì bà không tài nào đọc được chứ đừng nói tới nhớ được một tiếng nước ngoài) tâm sự: "Không chỉ là chuyện ẩm thực mà qua việc hiểu một tập quán nấu nướng, tôi như thấy người phụ nữ VN gởi gắm cả tâm hồn mình vào công việc nội trợ tưởng chừng là nhàm chán này. Và những người đàn bà Việt cực kỳ tốt bụng, cực kỳ chung thủy, yêu thương chồng con vì họ đã luôn sống một nếp sống như vậy".

Nghe giọng là biết ngay...

Tôi đã... khoái chí, mở cờ trong bụng khi bà Mười thuật chuyện: "Chèn ơi, người mình ở bển đi dự lễ hội cũng đông lắm cô. Họ nói họ đọc báo thấy giới thiệu về tui quá xá nên đi tìm cho bằng được". Trong dòng người đó có hai vợ chồng xứ Cần Thơ qua Mỹ được trên 10 năm. Từ xa ông chồng đã la lớn: "Bà Mười ơi, tui dân xứ Cần Thơ nè. Hồi đó tui làm bên điện lực. Bà biết tui không?". Chu mẹt ơi, ông này hỏi lãng dữ không. Ổng là dân quan quyền, mình là dân mua gánh bán bưng. Làm sao mà biết cho được - nghĩ bụng vậy nhưng bà Mười vẫn cười toe mà nói... "Tui thấy chú quen quen" cho ổng đỡ nhớ nhà. Bà vợ thì te rẹt như bao nhiêu bà đàn bà khác: "Bà Mười kho mắm mà con hổng biết, phải biết con đi chợ Việt mua rau cho. Cũng bán đủ thứ như chợ nhà lồng bên mình vậy đó".

Được biết, Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 có chủ đề "Mekong - Dòng sông kết nối các nền văn hóa". Không khoa trương, màu mè, văn hóa VN đã hiển hiện tại lễ hội, tại thủ đô nước Mỹ phồn hoa, đô hội một cách mộc mạc, chân chất như vậy đó. Và hơn thế. Những con người mộc mạc, chân chất như bà Mười Xiềm đã là cầu nối chân tình với bà con xa xứ.

Một số bà mà nghe qua giọng nói là biết ngay gốc miền Tây thì la rùm lên: "Trời ơi, mùi mắm kho sao mà nghe tản thần vậy nè. Tui nhớ nhà, nhớ quê quá thể". Hỏi chuyện làm bánh thì ít mà họ "tám" chuyện bên nhà thì nhiều hơn. Có một cặp vợ chồng trí thức người Mỹ gốc Việt khác đã năn nỉ bà Mười nhận mình làm con nuôi. Hai vợ chồng quê ở Bến Lức, Long An qua Mỹ đã 26 năm nay. Anh chồng tên Song làm ở tòa án liên bang, chị vợ tên là Hạnh cũng đi làm ở sở, cả hai có 4 đứa con thật kháu khỉnh. Chị Hạnh đã đưa mẹ mình tới gặp bà Mười để mời bà về nhà chơi, dẫn bà Mười đi ăn phở xứ bển cho biết. Bà Mười lại có dịp đi thăm thú Nhà Trắng, nhà ông Bush (nói cho oai chứ chỉ đứng bên ngoài nhìn vô), bảo tàng viện. Hai bà già lại cho nhau số điện thoại và hẹn sang năm gặp nhau ở xứ mình. Hai vợ chồng anh Song mua cho bà Mười và bạn trong đoàn của bà nào là dầu gội đầu, nào là xà bông tắm, bà Mười rầy: "Làm chi cho tốn kém vậy". "Má à, được má nhận làm con nuôi là coi như con đã nối được với gốc gác quê hương xứ mình rồi. Cái má cho con còn lớn hơn nhiều chớ".

Cái câu "tha hương ngộ cố tri" xem chừng thấm thía hơn bao giờ hết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo