xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

HIỆN THỰC HÓA NGHỊ QUYẾT MỚI CÀNG SỚM CÀNG TỐT (*): Tạo dựng thương hiệu tuyển dụng cho TP HCM

TS Nguyễn Thanh Sơn - NCS Nguyễn Khánh Linh

Sự liên thông lao động chất lượng cao giữa các khu vực nhà nước, tư nhân và nước ngoài có thể xem như khâu đột phá trong việc tạo dựng thương hiệu tuyển dụng của thành phố

Ngày 1-8, Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ 98) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM chính thức có hiệu lực. Để sử dụng hiệu quả "chìa khóa vàng" NQ 98, TP HCM phải triển khai thực hiện nhiều đầu việc quan trọng, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực - một trong những khâu đột phá chiến lược quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Thực trạng công tác tuyển dụng

Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, lực lượng lao động của thành phố đã đạt 4,8 triệu người, chiếm gần một phần mười tổng số lao động cả nước. Mỗi năm, thành phố được bổ sung trung bình khoảng 300.000 lao động.

Tuyệt đại đa số các chuyên gia trong lĩnh vực lao động và nguồn nhân lực thống nhất nhận định lực lượng lao động ở TP HCM có chất lượng tốt nhất trong cả nước (cùng với TP Hà Nội). Tuy nhiên, chất lượng đó nếu so với thế giới, thành phố vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, lực lượng lao động TP HCM còn phải đối mặt với 3 dòng dịch chuyển đáng quan ngại.

HIỆN THỰC HÓA NGHỊ QUYẾT MỚI CÀNG SỚM CÀNG TỐT (*): Tạo dựng thương hiệu tuyển dụng cho TP HCM - Ảnh 1.

Kiều bào tham quan Công viên Phần mềm Quang Trung Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dòng dịch chuyển thứ nhất là làn sóng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) thôi việc. Từ tháng 1-2020 đến tháng 6-2022 đã có gần 6.700 CB, CC, VC thôi việc. Làn sóng thôi việc nói trên đã để lại những hệ lụy đáng lo ngại; lỗ hổng CB, CC, VC không dễ bù đắp ngay, gây ảnh hưởng không nhỏ ở các lĩnh vực hành chính - dịch vụ công và y tế - giáo dục thành phố.

Dòng dịch chuyển thứ hai là làn sóng công nhân di chuyển về các tỉnh do một số doanh nghiệp (DN) giảm đơn hàng, phải cắt giảm lao động.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số lao động làm việc tại các DN ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố đã giảm 7,7% so với cùng kỳ. Với chi phí cuộc sống tăng lên, nhu cầu tuyển dụng của DN suy giảm, người lao động ở TP HCM càng khó xin được việc với mức lương mong muốn hơn.

Dòng dịch chuyển thứ ba là làn sóng mất việc và nhảy việc bởi sự cạnh tranh mạnh mẽ từ công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ông Phạm Phú Lâm, Giám đốc điều hành Công ty CP Netalink chuyên cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho DN có trụ sở tại quận 1, cho biết hiện các DN rất quan tâm đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giữ kết nối với khách hàng thông qua callbot (cuộc gọi tự động), thực hiện tư vấn cho khách hàng bằng thực hiện cuộc gọi, chatbot (trả lời tự động) và phản hồi dạng văn bản. Việc này đã giúp các DN tiết kiệm thời gian, chi phí và một lượng lớn lao động.

Đặt vấn đề nhân lực lên hàng đầu

Khái niệm thương hiệu tuyển dụng (employer brand) được đưa ra từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng chỉ nổi lên như một chủ đề quản trị "nóng" từ khoảng 15-20 năm nay. Nó được hiểu là uy tín thương hiệu của một tổ chức, công ty, địa phương hay nhà nước với tư cách là nhà tuyển dụng.

Theo tạp chí Harvard Business Review, do thị trường tuyển dụng ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt, để có thể thu hút được những nhân sự tốt, các công ty và địa phương phải tổ chức các chương trình bài bản xây dựng thương hiệu của họ với tư cách là nhà tuyển dụng trên thị trường tuyển dụng lao động.

Có 3 lý do khiến các DN và địa phương đầu tư xây dựng thương hiệu tuyển dụng: nhờ thương hiệu tuyển dụng, họ sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí tuyển dụng; thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao; là cách tốt nhất giữ chân đội ngũ nhân viên hiện tại.

Để xây dựng TP HCM trở thành một trong những thương hiệu tuyển dụng hàng đầu, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thực hiện một số giải pháp.

Trước hết, phải thống nhất nhận thức muốn tạo ra đột phá chiến lược cho TP HCM thì phải phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và quản trị. Đặt vấn đề nhân lực lên hàng đầu, coi nhân lực là gốc của mọi giải pháp đột phá, sẽ động viên khuyến khích được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điểm mấu chốt của chiến lược xây dựng thương hiệu tuyển dụng cho TP HCM.

Phải khơi dậy khát vọng về một thành phố giàu đẹp, một "hòn ngọc" ở khu vực Đông Nam Á, một nơi đáng sống và đáng cống hiến. Về mặt địa lý, TP HCM là trung tâm của khu vực Đông Nam Á và khối ASEAN; thành phố từng là Hòn ngọc Viễn Đông; trong tâm tưởng người Việt nói chung, TP HCM luôn được nghĩ đến như một đầu tàu, nơi sản sinh ra những cơ chế đột phá, những con người gỡ khó cho đất nước.

TP HCM còn là nơi có mức sống cao, dịch vụ y tế - giáo dục hàng đầu cả nước. Nhấn mạnh vào những điểm đó trong các chiến dịch truyền thông - tuyên truyền sẽ kích thích những người tài năng mong muốn đến sống và làm việc.

Thể chế hóa các chương trình nâng cao và thu hút nguồn nhân lực, gắn kết các chương trình đó với các chương trình, dự án quan trọng về phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ quốc gia.

Đặc biệt chú trọng những nhu cầu chính đáng của người lao động như tiền lương, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, bảo hiểm bệnh tật, thất nghiệp và hưu trí, trong đó tiền lương và cơ hội thăng tiến phải được coi là trung tâm của chế độ đãi ngộ.

Xem xét "định vị giá trị nhân viên" và chấp nhận tồn tại khái niệm "thương hiệu cá nhân" trong tất cả các khối ngành kinh tế trong và ngoài hệ thống nhà nước.

Tạo ra dòng chảy nhân lực liên thông giữa các khu vực sử dụng lao động nhà nước, tư nhân và nước ngoài. Coi việc "luân chuyển nhân sự" giữa các khu vực này là hoạt động bình thường của thị trường kinh tế.

Sự liên thông lao động chất lượng cao giữa các khu vực nhà nước, tư nhân và nước ngoài có thể xem như khâu đột phá trong việc tạo dựng thương hiệu tuyển dụng của thành phố.

Sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 98

Sáng 28-6, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM, đơn vị 9 và tổ đại biểu HĐND thành phố, tiếp xúc cử tri quận 4.

Trong 12 ý kiến của cử tri quận 4, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến việc triển khai Nghị quyết (NQ) 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM vừa được Quốc hội thông qua.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh toàn thành phố đã và đang gấp rút trong công tác thi hành NQ 98. Thành phố đã ban hành kế hoạch hành động, xác định và phân công từng sở, ngành xây dựng tờ trình gửi tới HĐND thành phố trong 3 kỳ họp tới nhằm cụ thể hóa các nội dung của NQ.

Cụ thể, ngày 7-7, thành phố sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn địa bàn để quán triệt, triển khai NQ của Thành ủy - UBND - HĐND thành phố. Sau hội nghị này, thành phố sẽ phân công cụ thể các phần việc trong NQ 98, gắn với khen thưởng, kỷ luật, thậm chí cả tổ chức, sắp xếp, điều chỉnh cán bộ để phù hợp với nhiệm vụ.

"TP HCM sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện NQ 98 do Bí thư Thành ủy thành phố làm Trưởng ban. Ban này sẽ huy động trí tuệ, nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện NQ đạt hiệu quả cao nhất" - Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định.

Thông tin thêm tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm, ông Phan Văn Mãi cho biết TP HCM và cả nước có nhiều khó khăn, nhưng TP HCM có phần khó khăn hơn khi nền kinh tế có độ mở gần như hoàn toàn với diễn biến, biến động của thế giới. Các đơn hàng của DN trên địa bàn giảm trung bình từ 30%-50%; cá biệt một số DN, lĩnh vực giảm đến 70%. Việc này tác động đến đời sống, an sinh, an ninh, trật tự của địa phương.

Ngoài các biến động bên ngoài, TP HCM gặp khó khăn riêng, những tồn đọng mà các địa phương không có. "Dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế của TP HCM đã có chuyển biến tích cực trong quý II, quý III và có khởi sắc trong quý IV. Do đó, người dân không nên hoang mang trong bối cảnh hiện tại và cùng TP HCM vượt khó, thúc đẩy phát triển" - Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ.

Cùng ngày, tiếp xúc cử tri ở huyện Củ Chi, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM, khẳng định: “Tâm thế là HĐND TP sẵn sàng đồng hành cùng UBND TP để thực hiện tốt Nghị quyết mới”.

Ph.Anh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo