xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHỮNG NGƯỜI ĐI GIEO CHỮ TÂM (*): Truyền lửa đam mê toán học

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nên duyên nhờ chung một niềm đam mê với toán học, đôi vợ chồng giáo viên đem đam mê của mình truyền lại cho bao lớp học trò

Căn nhà nhỏ của vợ chồng cô Bùi Thị Thư (Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - GDTX - số 1) và thầy Phan Thanh Thuận (giáo viên Trường THPT Tôn Thất Tùng) nằm trên con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thiện Kế (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cũng là nơi trưng bày hàng chục mô hình dạy toán học do chính tay thầy cô sáng chế.

Toán học là niềm vui

Quen nhau từ khi còn là sinh viên Khoa Sư phạm toán Trường ĐH Sư phạm Huế, thầy Thuận và cô Thư nên duyên vợ chồng sau 2 năm ra trường. Từ khi ra trường năm 1986, đến gần 10 năm sau, đời sống giáo viên với đồng lương ít ỏi nhiều lúc đã khiến vợ chồng thầy Thuận dao động. "Để có tiền lo cho gia đình và nuôi con, tôi đã phải xin đi xúc cát ở các công trình xây dựng ngoài giờ lên lớp" - thầy Thuận chia sẻ.

Lúc này, nhiều đồng nghiệp đã rẽ sang hướng khác để kiếm sống. "Nhiều đêm, vợ chồng cùng gác tay lên trán suy nghĩ. Nhưng rốt cuộc cả hai cùng một chí hướng, đó là không thể dứt bỏ được nghề giáo, không thể bỏ môn toán. Thế là chúng tôi động viên nhau, sống chết gì cũng phải bước lên bục giảng, dạy cho học sinh những bài toán, những con số. Đó mới là niềm vui" - cô Thư trải lòng.

Gia tài của thầy Thuận - cô Thư là căn phòng nhỏ với khoảng hơn 50 mô hình bằng gỗ rất đẹp mắt cùng hàng trăm hình ảnh phục vụ cho việc dạy toán. Thầy Thuận cho biết đây là công trình của hai vợ chồng trong hơn 30 năm qua. "Đam mê toán học chỉ là một phần nhỏ trong niềm đam mê truyền "lửa" toán và phương pháp dạy toán bằng mô hình của hai vợ chồng. Ngày nào không tự tay làm mô hình nào là ngày đó cảm giác không vui" - thầy Thuận bộc bạch.

NHỮNG NGƯỜI ĐI GIEO CHỮ TÂM (*): Truyền lửa đam mê toán học - Ảnh 1.

Đối với vợ chồng thầy Thuận - cô Thư, toán học là niềm vui

Ví dụ trong hình học, để giúp các em dễ dàng tính diện tích, thể tích…, vợ chồng thầy Thuận đã thiết kế ra các khối hình sinh động bằng gỗ. "Để các em dễ dàng tính thể tích khối tứ diện, tôi sáng chế mô hình có 4 góc đều nhau chứa một khối tứ diện. Sau đó, nhiệm vụ của các em là làm thế nào lấy khối tứ diện này ra ngoài. Sau khi tự tay các em lấy được hình khối đó ra ngoài thì sẽ dễ dàng nhớ được công thức và cách tính thể tích của khối tứ diện" - thầy Thuận diễn giải.

Thầy Thuận cho hay mỗi mô hình thiết kế xong, thầy đều đưa cho các đồng nghiệp thử nghiệm, nếu học sinh thích thú, chứng tỏ mô hình đó hay, còn nếu học sinh không hào hứng thì phải chỉnh sửa lại. Theo thầy Thuận, dạy toán không chỉ để các em giải được bài toán khó mà phải làm sao để mỗi bài toán, mỗi công thức đều gắn bó với đời sống, với thực tế bằng những mô hình trực quan, sinh động. "Đó là cách để các em nhớ lâu. Không phải kiểu học vẹt, giải bài này được nhưng khi chỉ cần thay đổi số hay hình thức là lại bó tay" - thầy Thuận nói.

Người thầy tận tụy

Ngoài việc mày mò sáng chế, thầy Thuận - cô Thư còn là 2 nhà giáo mẫu mực được học sinh nể trọng, quý mến. Ra trường hơn 20 năm nhưng hằng năm, cứ đến dịp lễ 20-11, anh Đặng Công Anh Tuấn lại đến thăm vợ chồng thầy Thuận. Theo anh Tuấn, lớp anh không ai quên công lao của thầy Thuận và cả cô Thư.

"Thầy Thuận là điển hình của người thầy tận tụy với học trò trong từng bài giảng. Có những buổi học đã quá trưa hay đến sập tối mà học sinh vẫn chưa hiểu bài, thầy vẫn ở lại lớp để giảng cho đến khi nào các em hiểu hết mới thôi. Thầy không ngại khó, ngại khổ, thậm chí bỏ cả tiền túi ra để phục vụ việc sáng chế các mô hình dạy toán để mỗi bài giảng chúng tôi đều khắc như in và không sao quên được" - anh Tuấn bày tỏ.

Anh Tuấn kể một kỷ niệm mà bản thân anh và lớp 12E ngày ấy không quên được đó là trường hợp một học sinh cùng lớp không thể đi thi cuối kỳ do nhà bị ngập vì bão lũ. "Thầy Thuận là người đứng ra bảo lãnh và xin lãnh đạo nhà trường tổ chức cho bạn ấy thi lại để bạn có cơ hội thi đại học trong năm học đó. Sau đó, bạn này đỗ đại học và hiện là thạc sĩ, công tác tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng" - anh Tuấn kể.

Ở môi trường GDTX, mỗi học trò là một hoàn cảnh, đa phần là khó khăn, cô Thư vừa dạy toán vừa là người tư vấn tâm lý cho từng học sinh. "Nhiều em có tư chất tốt nhưng do hoàn cảnh hoặc va vấp nào đó nên phải học hệ GDTX, mình là cô giáo phải tìm hiểu hoàn cảnh từng em để có cách ứng xử và cả phương pháp dạy phù hợp" - cô Thư nói và ánh mắt long lanh khi kể cho chúng tôi nghe về những người học trò rất thành đạt đi lên từ hệ GDTX. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-11

Kỳ cuối: "Khắc tinh" của học sinh cá biệt

Nhiều giải thưởng về thiết kế bài giảng

Năm 2016, thầy Phan Thanh Thuận được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng tổ chức dành cho những nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp và có những sáng tạo đổi mới trong phương pháp dạy và học. Đến năm 2017, cô Bùi Thị Thư cũng được xét trao giải thưởng này. Vợ chồng thầy Thuận cũng nhiều lần được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng trao giải thưởng về thiết kế bài giảng điện tử (e-learning), đồ dùng dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi đoạt giải.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo