xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Lãnh địa riêng" vẫn mãi trêu ngươi

THU HỒNG - ANH VŨ

Đêm quán nhậu lấn, ngày hàng rong chiếm… nhiều vỉa hè ở TP HCM không dành cho người đi bộ.

L.T.S: Tại TP HCM, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Những đợt ra quân của chính quyền gần như "bắt cóc bỏ dĩa". Với đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè mà Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang cùng các địa phương xây dựng, không ít chuyên gia ủng hộ nhưng còn nhiều ý kiến băn khoăn và đặt ra đề bài: Làm sao quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè hiệu quả...

Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, Báo Người Lao Động khởi đăng tuyến bài "Biến nơi công cộng thành lãnh địa riêng", phản ánh tình trạng hàng loạt quán nhậu tại nhiều quận trong TP HCM ngang nhiên coi lòng đường, vỉa hè như sở hữu của mình để bày bàn đón khách, lập điểm giữ xe. Cơ quan chức năng sau đó vào cuộc, trật tự lặp lại một thời gian. Những ngày đầu tháng 2 này, phóng viên trở lại các điểm đó…

Tiếp tục bị "đánh cắp"

Hơn 22 giờ tối 10-2, có mặt trước quán nhậu In the Bangkok trên đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, chúng tôi ghi nhận hàng chục người đang ngồi cụng ly. Tại đây, phần vỉa hè rộng khoảng 3,5 m trước quán và vùng kế cận, nhiều bàn ghế bày ra chờ thực khách. Nhân viên tràn ra đường mời gọi, những người đi bộ thì lẳng lặng chọn lòng đường làm lối đi trong cam chịu. Cùng thời điểm này, mật độ phương tiện qua ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần khá dày, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Lãnh địa riêng vẫn mãi trêu ngươi - Ảnh 1.

Quán N°96 trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Ảnh: ANH VŨ

Cách đó khoảng 100 m, trên đường Võ Văn Tần (phường Võ Thị Sáu), cảnh vỉa hè bị "đánh cắp" tái diễn trước những quán nhậu như Warning Zone, N°96. Ở đây, tiếng nhạc xập xình chát chúa dội thẳng vào tai người qua lại.

Vừa bế con trai 4 tuổi xuống lòng đường đón taxi thăm người nhà, chị Nhung, một người dân, vừa cho hay vỉa hè đường Võ Văn Tần rộng 3-4 m nhưng đến tối thì "không còn cm nào". "Không có không gian, chúng tôi buộc di chuyển xuống lòng đường, đã bất đắc dĩ vi phạm luật giao thông còn nơm nớp lo những ôtô mất lái….Không biết khi nào vỉa hè mới được trả lại đúng chức năng của nó" - người phụ nữ than.

Trong khi đó, đi dọc đường Rạch Bùng Binh (phường 9, quận 3), một đoạn đường dài khoảng 500 m chúng tôi không khó bắt gặp cảnh quán nhậu, quán ăn ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè để kê bàn ghế cũng như để xe máy. Khoảng trống trên vỉa hè bằng 0.

Lãnh địa riêng vẫn mãi trêu ngươi - Ảnh 2.

Một quán cà phê trên đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức vỉa hè hai mặt tiền không còn chỗ nào. Ảnh: ANH VŨ

TP HCM có hơn 4.800 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến đường không có vỉa hè. Những nơi có vỉa hè thì đa số bị chiếm dụng buôn bán, để xe, lập quán cóc… gây mất trật tự an toàn giao thông và mất mỹ quan đô thị.

Ở một số tuyến đường như Trường Sa (phường 14, quận 3), Trường Sa (phường 2, quận Phú Nhuận), Hoàng Sa (phường 11, quận 3)... cũng dễ dàng bắt gặp cảnh vỉa hè "biến mất".

Còn tại TP Thủ Đức, về đêm, ở các tuyến đường kinh doanh lớn như Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, xung quanh chợ Thủ Đức… tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng không kém cạnh. Tối 11-2, khi đi qua những khu vực này, gần như nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh vỉa hè chật ních người ngồi hoặc xe dựng. Những "chướng ngại vật" này ngăn cản, đẩy người đi bộ xuống lòng đường và tạo nên cảnh tượng rất lộn xộn.

Ban ngày cũng... không tha

Ban đêm là thế. Ban ngày, vỉa hè, lòng đường cũng bị mạnh ai nấy chiếm cho những hình thức kinh doanh khác. Trên những trục đường chính, hầu như vỉa hè đều bị chiếm dụng một phần để buôn bán hàng rong, nhất là vào buổi sáng sớm. Như trục đường Trường Chinh (quận Tân Phú), đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, quận 10), Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Phú Nhuận) hay Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)… những tuyến trên, do nhiều đoạn có vỉa hè rộng 5-7 m nên trở thành nơi lý tưởng để người bán hàng rong "tranh thủ" vào buổi sáng.

Trong khi đó, những tuyến đường có vỉa hè nhỏ hơn và không đồng bộ như Âu Cơ (quận Tân Phú), Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Hùng Vương (quận 5)… vỉa hè chủ yếu bị cơ sở kinh doanh dùng đặt bảng hiệu, trưng bày sản phẩm hoặc để xe…

Lãnh địa riêng vẫn mãi trêu ngươi - Ảnh 4.

Vỉa hè đường Trường Chinh (quận Tân Phú). Ảnh: THU HỒNG

Từng bị té xe do người bán hàng rong chiếm dụng lòng đường cản trở giao thông, chị Nguyễn Thu Hiền (huyện Hóc Môn) kể ngày nào chị cũng đi về 2 lượt trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) vào giờ cao điểm sáng và chiều. Do tuyến đường hẹp, vỉa hè lại nhỏ nên hầu hết người dân buôn bán mặt tiền đều trưng dụng vỉa hè đặt bảng hiệu, hàng hóa. Người mua tấp vào phải dựng xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông.

Cũng theo người phụ nữ, không chỉ vỉa hè bị chiếm dụng, ngay dưới lòng đường cứ chiều tan tầm xuất hiện xe đẩy trái cây, rau củ vô tư đậu, đặt loa rao gây mất an toàn giao thông. "Có lần tôi va vào 1 xe máy lượn vào mua rau, ngã ra đường. May lúc đó không có ôtô chạy qua, chứ không thì hậu quả khó lường. Tôi đề nghị chính quyền cần kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường vô trật tự như thế này" - chị Hiền bức xúc.

Đồng quan điểm với chị Hiền, ông Nguyễn Hữu Tân (quận 3, cán bộ hưu trí) phân tích thêm lâu nay vỉa hè được nhà nước chỉnh trang nhằm phục vụ người đi bộ, chưa kể người khuyết tật cũng sử dụng vỉa hè để bảo đảm an toàn, rồi du khách đến TP HCM đa phần đi bộ khi tham quan… Nhiều vỉa hè tại quận 1, chính quyền cũng đặt gờ inox để hạn chế xe máy ra vào, những vỉa hè này rất chỉn chu, rất mỹ quan và an toàn cho người đi bộ.

"TP HCM đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt, xe đạp để di chuyển thì nên quan tâm đến độ thông thoáng của vỉa hè để người dân sử dụng an toàn" - ông Tân nói.

Đề án thu phí từng triển khai từ năm 2017

Năm 2017 đề án thu phí dùng tạm vỉa hè từng được TP HCM đưa ra với mức phí thu dựa theo đặc thù mỗi khu vực. Tuy nhiên đề án này chưa được triển khai rộng rãi vì ít tính khả thi.

Hiện nay một số quận, huyện đang tổ chức, sắp xếp cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường. Trong đó quận 3 thí điểm cho người dân kinh doanh, mua bán có đóng phí trên 8 tuyến đường như Nguyễn Thượng Hiền, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa… Ngoài ra quận 3 cũng cho dùng tạm một phần vỉa hè làm bãi giữ xe có thu phí ở những tuyến đường rộng như Tú Xương, Lê Quý Đôn, Trương Định, Lý Chính Thắng, Hồ Xuân Hương…

Tuy nhiên, đây không phải hình thức cho thuê vỉa hè mà địa phương chỉ thu phí sau khi đầu tư, cải tạo hạ tầng để tổ chức các hoạt động kinh doanh, mua bán có trật tự.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo