xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiệt tác cồng chiêng đã bị biến dị

Bài và ảnh: Phương Quyên

Hai năm sau ngày cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, cồng chiêng Tây Nguyên chẳng những chưa khôi phục được vị trí của nó trong đời sống của đồng bào các dân tộc mà còn phát sinh nhiều hình thái biến dị.

Bán cồng chiêng mua máy hát

“Làng bây giờ buồn lắm. Bọn trẻ không hứng thú nghe cồng, nghe chiêng nữa. Nhiều khi ốm đau, thèm được nghe tiếng chiêng, tiếng cồng mà không được thỏa cái lòng”- già làng Aê H’Nhen, buôn Dăm, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, thở dài khi nói về đời sống cồng chiêng hiện nay của làng. Đời sống thay đổi, dàn nhạc điện tử tràn về buôn làng khiến thanh niên nhanh chóng yêu thích và khuyên người già bán cồng, chiêng mua máy hát. Không bán cồng, bán chiêng thì lối suy nghĩ rằng chiêng, ché là nơi ma quỷ trú ngụ được truyền bá trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều nhà đập chiêng hoặc chôn chiêng xuống đất. Nhìn những vật dụng linh thiêng của tổ tiên bị người trẻ đối xử như thế, những già làng chỉ còn biết thở dài: “Nếu không hiểu biết giá trị của cồng chiêng, làm sao bọn trẻ sống tốt được”.

Hội thảo khoa học “không gian văn hóa cồng chiêng: thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát huy” diễn ra ngày 23-11 tại Đắk Lắk đã khép lại với những cảnh báo đáng ngại

Theo thống kê của sở VHTT tỉnh Đắk Lắk, trung tâm của cồng chiêng Tây Nguyên, đến năm 2006, toàn tỉnh chỉ còn 3.000 bộ chiêng, giảm 30% so với 10.000 bộ mà đồng bào các dân tộc sở hữu trước đây. Chung số phận với Đắk Lắk, toàn tỉnh Phú Yên, nơi có 3 dân tộc thiểu số cư trú là Êđê, Chăm H’roi và Bana cũng chỉ còn lưu giữ được 41 bộ cồng chiêng. “Nhiều khi buôn làng có tổ chức lễ hội, bà con phải đi mượn cồng chiêng về sinh hoạt”- ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng Quản lý nghiệp vụ Sở VHTT Phú Yên, kể. Bên cạnh sự thất thoát chiêng, sự mai một của các bài diễn tấu cồng chiêng cũng là một nguy cơ đáng lo ngại. Ông Tô Đình Tuấn, Giám đốc Sở VHTT Đắk Nông, cho biết trong số 60 bài cồng chiêng của dân tộc M’Nông, đội cồng chiêng giỏi nhất hiện nay cũng chỉ chơi được 30 bài. Có những huyện như Krông Nô, Đắk Min... chỉ còn diễn tấu được 3 đến 5 bài. Đặc biệt, các buôn người M’nông ở huyện Cư Jút không còn biết một bài chiêng nào.

Nếu như trước đây, trung bình mỗi buôn có từ 50 đến 70 nghệ nhân thì hiện nay, con số này chỉ còn từ 7 đến 10 người. Trước bức tranh ảm đạm của “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh cảnh báo: “Cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên đang mất đi cơ sở và môi trường xã hội, nơi nó được sáng tạo, tồn tại và phát triển”.

Những quái thai văn hóa

Nhận thức được giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, hầu như địa phương nào cũng có chính sách cho việc bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này. Có nơi mua cả cồng chiêng về trang bị cho từng buôn làng, tổ chức ghi âm, nghiên cứu... và thậm chí tổ chức cải tiến cồng chiêng theo ký âm phương Tây để chiêng có thể diễn xướng các bài nhạc hiện đại. Chiêng Thanh Niên, còn gọi là chiêng Atâu-chiêng ma... là một trong những sản phẩm đó. Sự hỗn tạp, theo lời thạc sĩ Lê Xuân Hoan, là ta chẳng ra ta, Tây chẳng ra Tây của loại chiêng cải tiến này đã phần nào làm tổn thương đến giá trị đích thực của dàn cồng chiêng truyền thống.

Bên cạnh sự hoạt động của chiêng cải tiến, tại các buôn làng có sự phát triển du lịch, cồng chiêng cũng đang mang trong mình những quái thai văn hóa. Ông Trần Cảnh Đào, Giám đốc Sở VHTT Lâm Đồng, bức xúc: “Cứ nhìn 11 đội cồng chiêng đang hoạt động dưới chân núi Lang Biang, tôi không thể nào hiểu được họ đang diễn xướng cái gì. Hồn cồng chiêng Nam Tây Nguyên đã bị họ biến tướng để phục vụ du khách”.

Cần những festival cồng chiêng?

Từ hình ảnh của 11 đội cồng chiêng dưới chân núi Lang Biang, có thể nhận thấy sự biến tướng ấy đang ngày một lan rộng trong các đội diễn xướng khắp Tây Nguyên. Bằng chứng cụ thể nhất của sự biến tướng văn hóa này, thể hiện trong cách kết hợp áo dân tộc với quần tây ống loe của đội nghệ nhân Ba Na (Phú Yên), trong những đôi giày cao gót các cô gái dân tộc mang khi lên sân khấu diễn xướng suốt những ngày diễn ra Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nghệ nhân Êđê Kpãr tâm sự: “Mỗi lần đi biểu diễn, chúng tôi được 50.000 đồng/ngày. Không biểu diễn thì lại về nhà chăm cà phê, bán rau chỉ kiếm vài chục ngàn một ngày thôi”. Như vậy, với cách làm hiện nay, rõ ràng, cồng chiêng đang được khuyến khích sân khấu hóa. Những thanh âm thâm trầm, những điệu nhảy khéo léo, những tiếng hú hào sảng thể hiện niềm tin ở các vị thần... dưới ánh đèn sân khấu của những đêm giao lưu festival có phải là cách để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo không còn của riêng Việt Nam mà đã là của chung thế giới? Trả lời cho câu hỏi này, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh chỉ còn biết thở dài: “Đây là vấn nạn, không chỉ của cồng chiêng mà của chung các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian”.

Đồng bào Êđê vẫn truyền tai nhau: “Thiếu tiếng chiêng, tiếng kưut, tiếng khan/ Như cuộc sống thiếu cơm thiếu muối”. Cồng chiêng Tây Nguyên có gắn bó trở lại với đời sống của đồng bào một cách sâu sắc như thế chỉ khi bài toán về khôi phục các sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt xã hội... được giải, chứ không phải đem cồng chiêng biểu diễn trước mọi người như một loại hình dịch vụ hay sân khấu như hiện nay.

Không có không gian cồng chiêng

Nhạc sĩ K,razan Dich, dân tộc Lạch, bộc bạch: Những đội cồng chiêng trẻ bị cò du lịch chi phối nên phải biểu diễn các loại hình họ yêu cầu. Thanh niên học cách diễn xướng nhiều loại hình để du khách không nhàm chán nhưng khi về làng, về buôn, chúng tôi cũng không có không gian sinh hoạt cho cồng chiêng vì làm gì có lễ mừng cơm mới, mừng lúa mới... vì đã hết trồng lúa nước. Chẳng lẽ lại cúng Yang cà phê?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo