xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vào mùa mua sắm Tết

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng nguồn hàng hóa và tung nhiều khuyến mại để đón đầu mùa mua sắm cao điểm nhất năm

Dù còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2024 nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã vào cao điểm sản xuất hàng Tết, tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới, tiện dụng với giá cả phải chăng để phục vụ người tiêu dùng. Đơn cử, Công ty CP Acecook Việt Nam đã tung ra thị trường nhiều gói sản phẩm quà tặng tiện lợi như miến, mì ăn liền, viên canh ăn liền…

Tăng sản lượng, tung hàng mới

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc khối hành chính - nhân sự Acecook Việt Nam, cho biết trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, DN chưa tăng giá bán sản phẩm mà còn giảm giá 5% cho một số mặt hàng.

 "Tết này, công ty cố gắng đưa sản phẩm với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng, dự kiến sản lượng tăng khoảng 20% so với ngày thường" - ông Nam nói.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), thông tin công ty sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỉ đồng. Vissan đồng thời dự trữ thêm 10%-20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Thời điểm này, các DN bán lẻ cũng đã làm việc xong với các đối tác cung ứng để chuẩn bị nguồn hàng, phương thức kinh doanh phù hợp với xu hướng mới. Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán, Saigon Co.op phối hợp hơn 1.000 đối tác kinh doanh thực hiện trợ giá cho hàng ngàn mặt hàng, như các mặt hàng thực phẩm (sữa, bánh, kẹo, gia vị…) giảm giá đến 35%, đồ dùng gia đình áp dụng chính sách đồng giảm 50%-40%-30%...

Siêu thị bổ sung nhiều mặt hàng bán dạng “xá”, hàng đóng gói lớn... để phục vụ nhu cầu mua sắm tiết kiệm Tết này

Siêu thị bổ sung nhiều mặt hàng bán dạng “xá”, hàng đóng gói lớn... để phục vụ nhu cầu mua sắm tiết kiệm Tết này

Hệ thống Winmart/Winmart+ (thuộc WinCommerce) cũng tích cực đàm phán với các nhà cung cấp để bảo đảm sản lượng nhập vào luôn lớn và ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, xây dựng chiến lược giá ổn định, tung nhiều chương trình khuyến mại lên tới 50%...

"Chúng tôi chú trọng vào các mặt hàng trọng tâm thực phẩm tươi sống như rau thịt, các mặt hàng truyền thống dịp Tết như giỏ quà trái cây, bánh chưng, đồ muối, bánh kẹo, nước uống... nên sẽ chuẩn bị với số lượng lớn và giá tốt" - đại diện WinCommerce thông tin.

Hệ thống bán lẻ Satra (Satramart và Satrafoods) dự trữ hơn 550 tỉ đồng hàng hóa (tăng 10% so với Tết Quý Mão 2023) cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, dự trữ lượng hàng bình ổn tăng từ 6% đến hơn 14% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có mức tăng khác nhau từ 4% đến hơn 18%, dự kiến tăng cao sẽ nằm ở nhóm thực phẩm tươi sống được ưa chuộng dịp Tết. Satra cũng đã làm việc với các nhà cung cấp về việc không tăng giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn hàng chất lượng và ổn định trước trong và sau Tết.

Tương tự, các hệ thống bán lẻ lớn như MM Mega Market, Lotte Mart, Aeon, Emart… đều đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn, đưa vào kinh doanh nhiều mặt hàng mới để đa dạng sự lựa chọn cho khách hàng.

Linh hoạt cách thức bán hàng

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương TP HCM, 11 tháng năm 2023, doanh thu thương mại ước đạt hơn 634.000 tỉ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Hầu hết nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ tăng khá như: lương thực, thực phẩm (tăng 21,3%); hàng may mặc (tăng 5,3%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 12,9%)… Sở Công Thương dự báo sức mua Tết Giáp Thìn 2024 sẽ tăng hơn 11% so với Tết Quý Mão 2023.

Nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng dịp Tết Dương lịch và Tết Giáp Thìn 2024, sở đã làm việc với các sở, ngành, DN để bình ổn thị trường, tổ chức các chương trình khuyến mại và các chương trình kết nối cung cầu.

Ngoài ra, sở cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tạo nguồn hàng hóa dịp cuối năm, bảo đảm chất lượng hàng hóa tốt nhất cho người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khẳng định sẽ không để tình trạng thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.

Kantar Việt Nam dự báo cao điểm mua sắm sẽ rơi vào khoảng 5 tuần trước Tết, từ 7-1 đến 10-2-2024. Người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết.

Tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn, ưu tiên mua những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh…

Nắm bắt xu hướng này, các DN đã chuẩn bị nguồn hàng, cơ cấu hàng tương ứng. Chẳng hạn, Saigon Co.op ngoài chính sách trợ giá còn đẩy mạnh các sản phẩm hàng nhãn riêng, không chỉ đưa vào kinh doanh những sản phẩm mới mà còn mang đến nhiều giải pháp mua sắm, tiêu dùng tiết kiệm cho khách hàng.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng Phát triển hàng nhãn riêng Saigon Co.op, cho biết mùa Tết này, hàng nhãn riêng Co.op tập trung vào nhóm hàng thiết yếu có chất lượng tốt, giá tốt và nhóm hàng khác biệt, mới mẻ, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng. "Ngành hàng nhãn riêng Co.op dịp Tết năm 2024 có thể tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2023" - ông Hoàng Anh nói.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ DN, các kênh phân phối đang có nhiều đảo lộn với sự vượt lên mạnh mẽ của phương thức livestream bán hàng. Càng vào cao điểm Tết, các DN càng linh hoạt cách thức thu hút khách hàng.

"Để có thể thích ứng, giữ vững thị phần và thị trường, DN phải giữ chất lượng ổn định, rất linh hoạt trong cạnh tranh về giá bán. Hơn lúc nào hết, DN phải xác định phân khúc khách hàng mục tiêu và có phương thức tiếp cận, kinh doanh hiệu quả" - bà Kim Hạnh nói. 

Nhiều tín hiệu tích cực

Giải thích lý do hầu hết DN vẫn chuẩn bị lượng hàng hóa tăng ít nhất 5%-10%, các DN bán lẻ cũng đặt hàng cao hơn Tết năm ngoái dù dự báo kém lạc quan, ông Đinh Quang Khôi, Phó Giám đốc Marketing MM Mega Market, cho biết trong tháng 10 và 11-2023, sức mua không mạnh cho thấy người tiêu dùng có sự dè sẻn để dồn tiền mua sắm Tết.

Một yếu tố khác là trong năm 2023, kinh tế khó khăn, một bộ phận người lao động nghỉ việc, mất việc, chủ DN buộc phải tăng cường phúc lợi, chăm lo chu đáo để giữ chân những người còn bám trụ.

Bên cạnh đó, chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, đơn hàng xuất khẩu quay trở lại... là những yếu tố thuận lợi kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm cuối năm sôi động hơn.

Đại diện WinCommerce chỉ ra rằng GDP tăng trưởng và các ngành chủ chốt (bán lẻ, tiêu dùng nhanh, ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa...) có dấu hiệu phục hồi đã tạo niềm tin về thị trường, khôi phục mức độ sẵn sàng chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng.

Từ kinh nghiệm sức mua tăng đáng kể vào cuối năm, các DN kỳ vọng doanh thu tăng 15%-20% so với giai đoạn thường trong cuối năm này. Trên cơ sở đó, nhiều DN chuẩn bị hàng hóa tăng 20%-30% so với ngày thường.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo