xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyển biến tích cực về nhận thức

Nhóm phóng viên

Nỗ lực tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)

Thời gian qua, tại 28 tỉnh, thành ven biển, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nỗ lực tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân về phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhờ vậy, số vụ việc ngư dân vi phạm quy định giảm rõ rệt.

Một trong những địa phương làm tốt công tác này là Bình Định. Đội ngũ vận động, tuyên truyền viên ở các xã, phường trên địa bàn TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tích cực tiếp cận ngư dân để chuyển thông điệp "nói không với vi phạm vùng biển nước ngoài". UBND TP Quy Nhơn đã đặt ra quyết tâm "180 ngày chống khai thác IUU trên toàn thành phố". Hết thời gian 180 ngày thì thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch cho 180 ngày tiếp theo. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, nhờ cả hệ thống chính trị ở địa phương cùng vào cuộc nên từ năm 2023 đến nay, TP Quy Nhơn không có trường hợp tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Cũng nhờ đẩy mạnh cách làm này, trên phạm vi toàn tỉnh Bình Định, 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên (3.215 tàu) đánh bắt xa bờ đều trang bị thiết bị giám sát theo quy định.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi tăng cường chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), mang lại nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Toàn bộ 4.242 tàu cá đã được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

Chuyển biến tích cực về nhận thức- Ảnh 1.

Tàu cá ở Khánh Hòa cập cảng Hòn Rớ Nha Trang được kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm quy định về chống khai thác IUU. Ảnh: KỲ NAM

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 3.187/3.190 tàu; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 651/ 656 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, đạt 99,6%. Với nhiều biện pháp, tuyên truyền và được thực hiện liên tục nên nhận thức của ngư dân có nhiều chuyển biến. Thời gian gần đây, tỉnh Khánh Hòa không có tàu vi phạm.

Là 1 trong 3 ngư trường trọng điểm Việt Nam, năng lực khai thác đứng thứ 2 của cả nước, thời gian qua, với nhiều cách làm hay, tỉnh Bình Thuận đang dần khắc phục các hạn chế trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho hay Bình Thuận đang là tỉnh tiên phong trong việc "xóa sổ" tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản) - một trong những khuyến cáo quan trọng của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam. Đến nay, hơn 2.000 tàu cá "3 không" trong toàn tỉnh đã được cấp đăng ký tạm để theo dõi, quản lý.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi vùng biển xa, không vi phạm lãnh hải nước ngoài, Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho hơn 2.000 tàu cá trên địa bàn. Mỗi tàu cá của ngư dân được hỗ trợ 2,2 triệu đồng/năm, thời gian hỗ trợ trong 3 năm.

Ngoài những nỗ lực chung, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp để cùng với cả nước sớm gỡ "thẻ vàng" của EC. Trong đó, các mô hình như "Mỗi biên phòng giám sát 3 tàu cá" ở Đồn Biên phòng Phước Hội (thị xã La Gi), nhóm phản ứng nhanh ở huyện đảo Phú Quý, Đội Giám sát IUU xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam... đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống IUU tại địa phương.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 4.479 tàu cá, trong đó hoạt động vùng khơi 2.730 tàu (chiếm 60,95%), vùng lộng 623 tàu (chiếm 13,91%), vùng ven bờ 1.126 tàu (chiếm 25,14%). Từ tháng 8-2022 đến nay, tỉnh không có trường hợp tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị lực lượng các nước bắt giữ, xử lý. Song song với nỗ lực khắc phục các khuyến cáo của EC, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xây dựng, ký kết và triển khai quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3, 4, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và các tỉnh, thành phố ven biển. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng, triển khai quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện đồng bộ các giải pháp, thống nhất trong công tác phối hợp quản lý hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm trên vùng biển khơi. Nhờ làm tốt công các này, tình hình tàu cá vi phạm đã giảm hẳn.

Tại các tỉnh ven biển ĐBSCL, công tác vận động tuyên truyền kết hợp tăng cường giám sát khai thác trên biển cũng được triển khai quyết liệt, tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật của ngư dân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, đến nay 100% tàu cá trong tỉnh đã được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Hiện số tàu cá của tỉnh này đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 3.607/3.630 (đạt 99,4%) trong tổng tàu cá từ 15 m trở lên. Trong đó, số tàu cá đang hoạt động đạt 100% phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đây cũng là một trong những tỉnh ở khu vực ĐBSCL hành động quyết liệt, sâu sát và có hiệu quả nhất trong nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Khắc phục hạn chế theo khuyến nghị EC

Ngày 22-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai Kế hoạch số 335-KH/TU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch 335 là 100% tàu cá của tỉnh hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn, trạm biên phòng tuyến biển; bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải cập cảng chỉ định; theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát để kịp thời xử lý tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài…

Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó trọng tâm là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản, khắc phục hạn chế theo khuyến nghị EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2024.

Ông NGUYỄN DUY QUANG, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa:

Phải xử lý mạnh tay vi phạm

Với nhiều biện pháp được thực hiện liên tục nên nhận thức của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đối với việc chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến, thời gian gần đây không có tàu vi phạm.

Từ đầu năm 2024, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU. Sở sẽ tiếp tục mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, mọi trường hợp vi phạm IUU bị xử phạt nghiêm theo quy định, không áp dụng hình thức cảnh cáo, ký cam kết không vi phạm. Chỉ có làm mạnh như vậy thì chúng ta mới được EC gỡ cảnh báo "thẻ vàng", phát triển ngành thủy sản bền vũng.

N.Giang - K.Nam ghi


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo